Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Tháo gỡ "điểm nghẽn"

14:38 - Thứ Tư, 05/02/2020 Lượt xem: 8116 In bài viết

Công tác cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 đã thu được kết quả nhất định nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" thông qua việc điều chỉnh chính sách được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ảnh: Mạnh Hùng

Doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn đạt tỷ lệ thấp

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2017-2020, có 128 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2017 đến hết năm 2019, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 171 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 hoàn thành, đạt tỷ lệ 28%. Số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2020 là 92 đơn vị. 

Tương tự, tình hình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không sáng sủa hơn. Năm 2019, mới có 13 đơn vị thuộc danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 17-8-2017) đã thoái vốn với giá trị trên sổ sách là 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, đã có 92 đơn vị thuộc danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn nhà nước, với tổng giá trị trên sổ sách là 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước mới đạt 7,8% kế hoạch.

Ngoài ra, số doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết, lên sàn chứng khoán cũng mới đạt tỷ lệ 20%. Theo Bộ Tài chính, còn hơn 700 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết theo quy định. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã tuyên truyền, giải thích, công bố danh sách doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, áp dụng xử phạt với doanh nghiệp vi phạm nhưng vẫn không giúp cải thiện tình hình.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án tái cơ cấu đã không đạt được kế hoạch đề ra. Theo ông Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chấp hành chế độ báo cáo với cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chậm tiến độ còn được lý giải là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc xử lý chi phí cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là giá trị tài sản, quyền sử dụng đất... cũng gặp không ít vướng mắc. Điển hình như chưa có quy định về xử lý chi phí cổ phần hóa trong trường hợp phải tạm dừng cổ phần hóa hoặc phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng.

Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Với kết quả trên, khối lượng công việc cần làm trong năm 2020 là rất lớn (ước tính sẽ phải thu 250.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn về ngân sách nhà nước), khả năng hoàn thành kế hoạch là khá khó khăn. 

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 32/ 2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, để hoàn thiện trình Chính phủ ban hành. 

Đáng chú ý, dự thảo đề cập tới các vấn đề xử lý chi phí cổ phần hóa, vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp… Đây là những "điểm nghẽn" trong thực hiện cổ phần hóa. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến kỳ vọng, dự thảo nghị định khi được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ đáng kể những rào cản và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, chuyên gia khối phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng tin tưởng, hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ diễn ra tích cực hơn trong năm 2020, bởi những nội dung được sửa đổi nếu được thông qua sớm sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn, nhất là việc xác định chi phí cổ phần hóa.

Được biết, ngoài giải pháp về cơ chế, chính sách, hiện tại, Bộ Tài chính đã công khai danh sách các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó ghi rõ đơn vị chủ quản, tên doanh nghiệp, người đứng đầu để làm rõ trách nhiệm, tránh tình trạng khoán trắng như thời gian vừa qua. Đối với doanh nghiệp chậm tiến hành cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Kỳ vọng tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp sẽ sôi động hơn càng có cơ sở khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, một trong những nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2020 là tập trung triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình, tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top