Nông dân Thanh Nưa năng động phát triển các loại cây trồng

09:24 - Thứ Sáu, 14/02/2020 Lượt xem: 9769 In bài viết

ĐBP - Ðến xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) đâu đâu cũng là những vườn cây, ruộng lúa, ngô, khoai... Những năm gần đây, nông dân Thanh Nưa linh hoạt, chủ động phát triển các loại cây trồng, hướng đến sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng tăng thu nhập, xóa nghèo.

Anh Tòng Văn Thỉnh chăm bón cây bưởi.  Ảnh: Bảo Anh

Thanh Nưa không phải mảnh đất màu mỡ nhưng người dân cũng không vì thế mà ngại thử nghiệm những giống cây trồng mới. Ðược hỗ trợ theo nguồn vốn Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, 18 hộ dân bản Hạ đang chăm sóc gần 3ha cây bưởi da xanh trồng được hơn 1 năm. Những người nông dân quen cày sâu cuốc bẫm khi chăm sóc loại cây khó tính như bưởi da xanh cũng trau chuốt, cầu kỳ không kém từ tỉa lá, làm cỏ, phun phòng sâu bệnh. Trưởng bản Quàng Văn Ðức cho biết: Nhiều năm nay, các hộ trong bản chủ yếu canh tác các loại cây trồng ngắn ngày như: Lúa, ngô, khoai, sắn. Ðến năm 2018 chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh cũng có đôi chút bỡ ngỡ, khó khăn trong cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Nhận thức rõ hạn chế đó nên trong những buổi cán bộ nông nghiệp xã, huyện tập huấn về quy trình kỹ thuật, chăm sóc cây bưởi, bà con đều lắng nghe rất kỹ để áp dụng tại vườn cây nhà mình. Nhờ vậy các diện tích bưởi đều phát triển tốt. Hy vọng rằng, trong 1 - 2 năm tới, những vườn cây sẽ cho quả ngọt, góp phần tăng thu nhập và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Gia đình anh Tòng Văn Thỉnh là một trong những hộ tiên phong đăng ký trồng 150 gốc bưởi da xanh. Năm vừa qua do khô hạn kéo dài, vợ chồng anh cùng một số hộ xung quanh phải đào giếng ngay tại vườn để đảm bảo nước tưới cho cây bưởi và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển. Vừa tưới nước quanh gốc bưởi, anh Thỉnh vừa giải thích: Mình đã đầu tư trồng trọt thì phải cố gắng làm cho đúng quy trình để đạt hiệu quả tốt nhất. Ðơn cử, như kỹ thuật bón phân cho cây bưởi. Ðầu tiên phải xới tơi đất quanh gốc cây, rải đều phân bón cách gốc cây bán kính khoảng 40 - 60cm sau tưới nước xung quanh để chất dinh dưỡng ngấm từ từ vào đất. Nếu như trước đây, tôi bón thẳng phân sau đó tưới trực tiếp nước vào gốc cây. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi thấy cách làm đó hoàn toàn sai, khiến cây có thể bị xói gốc, xót rễ và chết.

Là xã vùng ngoài của huyện Ðiện Biên, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của của xã Thanh Nưa đều nằm cuối hệ thống kênh mương thuộc đại thủy nông Nậm Rốm nên tình trạng thiếu nước sản xuất hầu như năm nào cũng xảy ra. Trong điều kiện đó, nếu trồng cùng một loại cây trên cùng đơn vị diện tích ở nhiều vụ liên tiếp sẽ không cho năng suất cao và thiếu ổn định. Trước thực tế đó, người dân xã Thanh Nưa đã linh hoạt chuyển đổi, trồng luân canh một số cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai. Giải pháp này giúp vừa giữ ổn định năng suất, vừa cải tạo đất, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, cây khoai lang và ngô là 2 loại cây trồng chủ lực.

Năm nay, xã Thanh Nưa đã chuyển đổi 47,5ha lúa một vụ sang trồng khoai lang. Ðến nay, người dân đã hoàn thành việc trồng và đang tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc. Chị Lò Thị Tiên, đội 9, xã Thanh Nưa cho biết: Gia đình tôi có 2.000m2 đất ruộng. Do ruộng cao nên khó khăn trong sản xuất lúa, bởi vậy gia đình chuyển đổi sang trồng khoai lang. Cây khoai lang vừa dễ chăm bón, lại nhanh thu hoạch. Với giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg củ, khoai lang đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho nông dân, nhiều hộ có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/vụ. Các diện tích đất sản xuất được nông dân Thanh Nưa tích cực khai thác, không để lãng phí bằng việc trồng cây vụ 3. Vụ sau luôn tăng hơn so với vụ trước. Riêng cây ngô vụ 3 vừa rồi đạt 25,5ha, tăng gần 10ha so với năm trước.

Ông  Lường Văn Chum, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Những năm gần đây, ngoài cây lúa, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vụ đông xuân năm nay, xã Thanh Nưa gieo trồng 194,4ha lúa đông xuân; 38,6ha ngô xuân; 47,5ha khoai lang; 2ha lạc; 1,5ha khoai tây và trên 50ha nghệ. Ðến nay, các loại cây trồng sinh trưởng tốt, riêng cây nghệ chuẩn bị cho thu hoạch. Nhờ năng động, chủ động đa dạng hóa các loại cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập, từ 26 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên 30 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,18%.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top