Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

10:48 - Thứ Sáu, 14/02/2020 Lượt xem: 7206 In bài viết

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (tên mới là Covid-19) đang tác động không nhỏ đến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cũng như thị trường xuất khẩu lớn từ Trung Quốc. Trước khó khăn đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình, cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các siêu thị vào cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu bị ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19. Ảnh: Phúc Minh

Nhiều ngành hàng gặp khó

Do ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19, một số cửa khẩu tại các tỉnh biên giới nước ta phải tạm ngừng thông quan khiến các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu và dự báo thời gian tới là vải, xoài... gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Tại cuộc họp nhằm kết nối doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì diễn ra ngày 11-2, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, phần lớn nông sản của tỉnh xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc, song ảnh hưởng từ dịch bệnh do Covid-19 khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Cụ thể, hiện nay địa phương đang tồn đọng khoảng 11.000 tấn khoai lang, 6.700 tấn ớt, 1.200 tấn nhãn… Tương tự, ông Hà Lê Thanh Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện địa phương có 7.685 tấn thanh long cần tiêu thụ, song đang phải lưu kho lạnh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Không chỉ nông sản, dịch bệnh do Covid-19 còn tác động đến ngành Dệt may khi phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dù các doanh nghiệp đã tìm nhiều cách, nhưng tình hình sẽ rất khó khăn nếu dịch bệnh do Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày vải xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc..., ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng, Hà Nội) nêu khó khăn, hiện công ty chỉ còn đủ nguyên liệu dự trữ để sản xuất đến hết tháng 3-2020; nếu không tìm được nguồn bổ sung, công ty sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của khoảng 600 công nhân...

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dịch bệnh do Covid-19 gây khó khăn cho hầu hết lĩnh vực như du lịch, công nghiệp, xuất khẩu… Từ đó, sẽ trực tiếp đe dọa, gây sức ép với nền kinh tế trong cả năm 2020.

Dịch bệnh do Covid-19 tác động đến ngành Dệt may do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Giang Sơn

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản đang tồn đọng ở một số tỉnh, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương rà soát, lập danh sách sản phẩm gửi Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành phố để hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại các kênh phân phối; đồng thời chỉ đạo các đơn vị có sản phẩm cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối.

Trước thực trạng trên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) mở cửa từ ngày 5-2, nhưng kiểm dịch chặt chẽ nên việc thông quan hàng hóa chưa nhiều. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tâm lý e ngại của lái xe khi phải cách ly 14 ngày sau khi vận chuyển hàng qua cửa khẩu. Về việc này, Bộ Công Thương đã trao đổi với Bộ Y tế để một mặt quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, nhưng mặt khác cũng không gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp mong muốn, trước mắt Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần tập trung nắm bắt, phân tích, dự báo chính xác về diễn biến dịch bệnh, về nhu cầu và tình hình thị trường trong và ngoài nước để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác tại các thị trường mới để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và lâu dài thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với quan điểm nhất quán là phòng, chống dịch hiệu quả, song vẫn bảo đảm các hoạt động sản xuất, xuất - nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ đã có báo cáo sơ bộ trình Chính phủ về nhóm các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn cung nguyên, nhiên liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất trong nước; đồng thời giảm áp lực tồn đọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các đối tác nước ngoài với đối tác trong nước; trao đổi để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp báo cáo lãnh đạo Bộ; xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trình Chính phủ xem xét...

Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường cho trái thanh long vào thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trước mắt, lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh phân phối trái cây, nhất là thanh long từ các quốc gia Campuchia, Myanmar; xem xét, có chính sách hỗ trợ tiền điện cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch giai đoạn này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường bảo quản, tăng tỷ lệ chế biến và giá trị gia tăng của nông sản chế biến cũng như đa dạng hóa thị trường để từng bước bù đắp lại tình trạng xuất nông sản thô hiện nay.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu, các ngân hàng phải theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh và mức độ thiệt hại của khách vay do ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 để có biện pháp hỗ trợ kịp thời… Phó Thống đốc cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… với doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top