Tủa Chùa ổn định chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi

14:31 - Thứ Hai, 17/02/2020 Lượt xem: 8339 In bài viết

ĐBP - Hiện nay 10/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tổ chức tái đàn hoặc chuyển hướng chăn nuôi sau dịch.

Ông Vũ Ngọc Viện, thôn Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa chăm sóc đàn lợn mới tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Sau hơn 6 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đã làm 1.982 con lợn (88 tấn lợn hơi) trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại kinh tế cho 906 hộ dân thuộc 92 thôn, bản của 12/12 xã, thị trấn. Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch, dịch tả lợn châu Phi ở Tủa Chùa đã được khống chế. Ðến nay, toàn huyện chỉ còn 2 xã: Trung Thu và Lao Xả Phình đang trong thời gian theo dõi để công bố hết dịch. Xác định dịch bệnh đang ở giai đoạn cuối, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định chăn nuôi sau dịch. Huyện Tủa Chùa đã chi hơn 4,17 tỷ đồng và đang đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí khoảng 162 triệu đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Sau 2 đợt chi trả, đến nay phần lớn các hộ chăn nuôi đã nhận được tiền hỗ trợ. Phòng đã cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi; vận động các hộ chăn nuôi tái đàn và tổ chức tập huấn về cách chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia cầm đối với những hộ dân có ý định chuyển hướng chăn nuôi. Ðến nay, tại những xã đã công bố hết dịch, hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn, tuy nhiên đa phần vẫn còn tâm lý sợ dịch bệnh nên việc tái đàn lợn đang ở quy mô nhỏ.

Tháng 1/2020, gia đình ông Vũ Ngọc Viện, thôn Tân Phong đã được UBND thị trấn Tủa Chùa chi trả hơn 46 triệu đồng tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy cho dịch tả lợn châu Phi. Ông Viện đã dùng số tiền hỗ trợ mua thuốc phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi và mua lợn giống để tái đàn. Ông Viện cho biết: Dịch tả lợn châu Phi đã làm chết 6 con lợn nái, 2 con lợn đực giống và 50 con lợn thịt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình. Mặc dù thị trấn đã công bố hết dịch nhưng toàn huyện thì chưa và điều kiện kinh tế còn eo hẹp nên tôi tái đàn với quy mô nhỏ hơn trước rất nhiều. Hiện nay, tôi đang nuôi 4 con lợn nái và 1 con lợn đực giống, vừa nuôi vừa theo dõi tình hình dịch bệnh. Thời điểm nào nhận thấy thật sự an toàn, tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi.

Gia đình ông Lò Văn Muôn, thôn Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa có 55 con lợn buộc phải tiêu hủy vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi. 5 tháng sau lần tiêu hủy đầu tiên, ông Muôn đã nỗ lực tái đàn lợn. Tuy nhiên, thời điểm đó, do bệnh dịch trên địa bàn chưa được ngăn chặn triệt để nên đàn lợn của gia đình ông lại tiếp tục nhiễm dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy. Gia đình ông Muôn đã nhận được tiền hỗ trợ đợt 1 và đang đợi đợt tiếp theo từ chính quyền địa phương. Hiện nay, thị trấn đã công bố hết dịch nhưng ông Muôn vẫn quyết định chưa vội tái đàn lợn thay vào đó sẽ chuyển sang nuôi gia cầm. Ông Lò Văn Muôn cho biết: Sau 1 lần nỗ lực tái đàn không thành công, hiện nay tôi vẫn lo sợ dịch bệnh nên chưa vội tái đàn lợn. Ðể có thêm nguồn thu nhập trong thời gian này, tôi đã mua 200 con vịt nuôi lấy trứng và vịt thịt. Chuyển sang đối tượng nuôi mới, tôi thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gia cầm. Ðược thú y địa phương, ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, tôi cũng an tâm phần nào.

Ông  Vũ Ngọc Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Tủa Chùa cho biết: Sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, UBND thị trấn đã hoàn tất thủ tục để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Người chăn nuôi đã được chi trả 2 đợt và đang đợi tiền hỗ trợ đợt 3. Thời điểm này, thị trấn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, UBND thị trấn đã tổ chức nhiều đợt  tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn có thể tái đàn lợn hoặc chuyển đổi sang các loài vật nuôi khác. Ðồng thời, phối hợp với khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn trang bị kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Qua theo dõi, hiện nay các hộ chăn nuôi đang bắt đầu mua con giống để tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top