Khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng ở Mường Nhé

08:48 - Thứ Năm, 20/02/2020 Lượt xem: 10293 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé hiện có trên 80.000ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ hơn 52%. Là huyện biên giới trọng yếu có diện tích rừng nhiều nhất so với các huyện, thị khác trong tỉnh, từ lâu, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được các cấp, ngành, chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm, chú trọng thực hiện. Vài năm trở lại đây, từ các chương trình, dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai, nhiều diện tích rừng ở Mường Nhé đã bắt đầu xanh tốt trở lại, phát triển thành rừng tái sinh, rừng sản xuất. Tuy nhiên, riêng trong năm 2019, tình trạng vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng vẫn tái diễn. Lực lượng kiểm lâm huyện đã bắt giữ và xử lý 52 vụ vi phạm (tăng gấp đôi so với năm 2018); trong đó, tàng trữ trái phép lâm sản: 10 vụ; khai thác rừng trái phép: 5 vụ; phá rừng: 25 vụ; gây cháy rừng: 9 vụ; còn lại là các vi phạm quy định về bảo vệ rừng...

Diện tích rừng sản xuất bị phá tại Tiểu khu 153B, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé.

Khó khăn giữ rừng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé nhận định: “Nếu như những năm trước, tình trạng phá rừng ở Mường Nhé diễn ra bởi các đối tượng là người dân bản địa hoặc dân di cư tự do khai khác rừng chủ yếu làm nương để canh tác, với hình thức manh mún, tự phát, phương tiện phá rừng thô sơ; thì trong năm 2019, đa số các vụ phá rừng đều do đối tượng hoặc nhóm đối tượng trên địa bàn phá có kế hoạch, với mục đích chiếm dụng đất rừng để sử dụng lâu dài. Phương tiện, phương thức phá rừng cũng quy mô, tinh vi hơn, tổ chức phá ồ ạt và đông đảo hơn, khiến lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn”.

Ðơn cử như vụ phá rừng tại Tiểu khu 153B, thuộc khu vực bản Mường Toong 3, xã Mường Toong diễn ra cách đây không lâu. Chỉ trong vài ngày, những cánh rừng sản xuất đang xanh tốt đã bị đốn hạ nhanh chóng bởi những đối tượng phá rừng có tổ chức với hình thức tinh vi. Dẫn chúng tôi đi thăm lại những vạt rừng trơ trụi chỉ còn gốc cây và lớp cỏ dại, anh Mào Văn Lập, Trưởng bản Mường Toong 3 cho biết: “Cách đây 5 năm, bà con bản Mường Toong 1 và Mường Toong 3 chúng tôi được tiếp nhận những cánh rừng này để chung tay quản lý, bảo vệ. Bà con tích cực lắm, ai cũng ra sức bảo vệ để rừng phát triển và được hưởng lợi ích từ rừng. Thế nhưng chỉ trong vài ngày, các nhóm đối tượng phá rừng một cách ồ ạt, đông đảo, khiến tổ tuần tra bảo vệ rừng 2 bản không kịp trở tay. Chúng sử dụng cưa máy, phá vào ban đêm nên đốn hạ những cây gỗ 3 - 4 năm tuổi rất nhanh chóng; khi bị phát hiện, các đối tượng còn có thái độ thách thức, dọa dẫm người dân. Cá biệt, có những vụ xô xát giữa thành viên trong tổ quản lý bảo vệ rừng 2 bản với nhóm đối tượng phá rừng”.

Ðiều đáng buồn là các đối tượng được coi là phá rừng và thuê người phá rừng ở xã Mường Toong hiện là người dân cư trú trên địa bàn xã hoặc trong huyện Mường Nhé. Các đối tượng phá rừng còn làm hàng rào dây thép gai, khoanh vùng những diện tích rừng và đất lâm nghiệp cạnh bìa rừng như để thể hiện là đất “chính chủ”. Bên cạnh đó, một số đối tượng khác tổ chức phá những diện tích rừng nằm sâu giữa khoảnh rừng (xa đường dân sinh) gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. “Gần đây nhất là các diện tích rừng bị phá cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tại Tiểu khu 153B (xã Mường Toong). Ðến khi lực lượng chức năng phát hiện, gần 2.000m2 rừng đã cơ bản bị phá hết; thay vào đó là những cây mắc ca giống đã bắt đầu bén rễ” - Trưởng bản Mào Văn Lập chia sẻ thêm.

Xử lý còn khó hơn

Phát hiện ra diện tích rừng bị phá đã khó, việc xác định đối tượng phá rừng lại còn khó khăn hơn. Theo báo cáo của Kiểm lâm huyện Mường Nhé, trong 52 vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng của năm 2019, có tới 26 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm (chiếm 50% số vụ). Cá biệt, có một số vụ “oái oăm” vì các đối tượng bị tố cáo là phá rừng hoặc thuê người phá rừng nhưng không thừa nhận, chối cãi và đổ tội cho người khác. Khi được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mời tới họp, xác nhận và xử phạt về hành vi phá rừng, các đối tượng không hợp tác, phát đơn kiện tụng, tố cáo những người khác phá rừng chưa được xử lý... gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xác nhận, xử lý chính xác đối tượng phá rừng.

Cho chúng tôi xem biên bản ghi lời khai của một số đối tượng được người dân tố cáo phá rừng và thuê người phá rừng tại xã Mường Toong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé Nguyễn Mạnh Toàn cho biết: “Các đối tượng bị người dân tố cáo phá rừng tại Tiểu khu 153B đều thiếu hợp tác với lực lượng chức năng. Theo lời khai, các đối tượng đều phủ nhận phá rừng và đổ tội cho 1 người khác không đủ hành vi dân sự (đang bệnh nặng, không nói, không đi được). Thậm chí, có đối tượng còn phát đơn kiện tụng, cho rằng cơ quan chức năng chưa xử lý các vụ phá rừng của các đối tượng khác...”.

Các vụ phá rừng tại Mường Nhé được phát hiện và lập biên bản đã nhiều tháng nay, nhưng vẫn chưa được xử lý. Nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng thiếu hợp tác, những thông tin phản hồi từ các đối tượng cũng khiến cơ quan chức năng huyện Mường Nhé phải mất nhiều thời gian xác minh, tìm hiểu; thế nhưng việc kiện tụng, tranh cãi vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Ðiều đáng buồn là rừng thì đã bị phá, để phục hồi trạng thái ban đầu cũng phải mất từ 5 - 7 năm nữa. Trao đổi với chúng tôi, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Huyện Mường Nhé sẽ xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng. Bước đầu, các cơ quan chức năng liên ngành huyện đang tiếp tục vào cuộc, điều tra, xử lý và lập hồ sơ các đối tượng phá rừng, bị tố cáo là phá rừng hoặc thuê người phá rừng. Khi có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top