Ðể nghề truyền thống thành sinh kế bền vững

09:32 - Thứ Năm, 27/02/2020 Lượt xem: 11056 In bài viết

Ðiện Biên có 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có nghề truyền thống khác nhau là tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, xưa nay nghề truyền thống chủ yếu chỉ phục vụ bó hẹp cho tộc người, vì thế mà nhiều nghề mai một khi có các sản phẩm tiện lợi, hiện đại thay thế. Ðể duy trì, phát triển hiệu quả nghề truyền thống cần mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa đến với cộng đồng rộng lớn hơn.

Hội viên HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II dệt vải, cung ứng cho thị trường.

Tiềm năng sẵn có

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có một số nghề truyền thống đã được hỗ trợ phát triển và biết đến rộng rãi, như đan lát, thêu dệt thổ cẩm, chế biến đặc sản dân tộc. Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Lào, bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên là một điển hình. Thành lập từ năm 2004, HTX hiện vẫn đang hoạt động tích cực với 15 thành viên chính thức cùng hơn 10 chị em thuần thục thêu dệt trong bản thường xuyên tham gia lúc nông nhàn. Trong nhiều năm hoạt động, HTX cũng có thời gian rơi vào tình trạng sản phẩm làm ra rồi cất kho, “bỏ thì thương, vương thì tội”, nhưng bằng sự kiên trì, tự mày mò học hỏi, không ngại đi giới thiệu sản phẩm khắp mọi nơi của thành viên HTX mà đến nay hoạt động của HTX đã có nhiều khởi sắc. Sản phẩm của HTX đã đến Hà Nội, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh… và ra cả nước ngoài. Nhiều khách từ xa lên tận nơi tìm hiểu, đặt hàng. Doanh thu trung bình hàng năm khoảng 600 - 700 triệu đồng, riêng năm 2018 thu về trên 1 tỷ đồng. Bà Lò Thị Viên, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Lào, bản Na Sang II cho biết: “Năm 2020, HTX đã nhận được 3 đơn đặt hàng xuất đi các tỉnh. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là vải thổ cẩm, nhưng HTX cũng luôn làm mới mình bằng các mặt hàng đa dạng, phong phú, như: Túi, giày, khăn, váy, áo… được khách khen ngợi, đánh giá cao. Nhờ đó mang lại thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người cho hội viên tham gia đều đặn, những người tranh thủ thời gian làm cũng có thêm nguồn thu 1 - 2 triệu đồng/người/tháng.”.

HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng có nhiều tiềm năng phát triển. HTX được thành lập từ năm 2010 theo chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn, trên nền tảng nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái bản địa. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sản xuất gần 4.000 sản phẩm các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Lào Cai, U Ðôm Xay (nước CHDCND Lào)... HTX giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương trong thời gian nông nhàn với mức thu nhập 1 - 2 triệu đồng/tháng/người. Thu nhập thêm tuy chưa cao nhưng là nguồn thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa bàn. Theo thông tin từ HTX, số lượng đơn đặt hàng mây tre đan đang ngày càng tăng, sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đấy, thậm chí không đủ cung ứng. Ðây là tín hiệu vui cho nghề truyền thống mây tre đan.

Ðược tạo điều kiện phát triển

Có thể khẳng định các nghề truyền thống có tiềm năng phát triển, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, những nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX làm nghề truyền thống duy trì, phát triển được chỉ có vài ba cơ sở. Mỗi cơ sở đều gặp khó khăn riêng, chủ yếu là đầu ra cho sản phẩm. HTX Thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) mặc dù đã đa dạng hóa mặt hàng với nhiều mẫu mã nhưng tiêu thụ rất chậm, hàng tồn kho nhiều. HTX Dệt thổ cẩm Lào, bản Na Sang II tiêu thụ tốt hơn nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh. Ðược biết lượng tiêu thụ năm 2019 của HTX giảm 30 - 40% so với năm trước. Còn đối với HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu thì khó khăn là không có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ông Quàng Văn Hạ, hội viên HTX Nà Tấu cho biết: “Nếu có nguyên liệu, mỗi người một ngày có thể làm 3 - 4 chiếc ghế mây, 10 ngày làm xong một chiếc mâm. Nhưng hiện giờ, cả tháng mỗi nhà chỉ làm cầm chừng được vài chiếc ghế, coóng xôi, giỏ đồ… Có khách đặt hàng mà không dám nhận”. Cách đây vài năm đã có dự án trồng cây mây tạo vùng nguyên liệu tại Nà Tấu nhưng giống mây không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sau nhiều năm mà cây cao không quá 1m, tay mây không phát triển.

Ðể tạo điều kiện thúc đẩy nghề truyền thống phát triển, tháng 9/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32/2019/QÐ - UBND về Quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định, làng nghề sẽ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh ta đến nay chưa có làng nghề nào được công nhận. Qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có 7 làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí có thể đề nghị được công nhận, bao gồm: Dệt thổ cẩm bản Na Sang II, xã Núa Ngam; dệt thổ cẩm bản Mển, xã Thanh Nưa; sản xuất bánh đa thôn Thanh Ðông, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên); đan mây tre bản Nà Tấu, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ); thêu thổ cẩm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); đan mây tre tổ dân phố 6, phường Sông Ðà và sản xuất bánh khẩu xén, bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay). Thành lập làng nghề được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư là cơ hội để nghề truyền thống có thể thương mại hóa sản phẩm, vươn ra khỏi quy mô cộng đồng nội thôn, bản. Vì vậy việc vận động thành lập làng nghề được quan tâm, thúc đẩy. Ông Trịnh Minh Tiến, Phòng Chế biến nông, lâm, sản - ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: “Ðến thời điểm hiện tại chưa có địa phương nào gửi hồ sơ công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Ðược giao phụ trách nội dung này, chúng tôi đang làm công văn tham mưu triển khai các huyện rà soát các ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để vận động, hướng dẫn các cơ sở, HTX đăng ký để được công nhận và hưởng chính sách theo quy định”.

Trước khi Quyết định số 32/2019/QÐ - UBND được ban hành, tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. Có thể kể đến là Quyết định số 38/2017/QÐ-UBND ban hành Quy định công nhận và quản lý nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1128/QÐ-UBND phê duyệt đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc để phát triển du lịch tỉnh đến năm 2015; Quyết định số 1430/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thực tế việc bảo tồn và phát triển làng nghề còn được lồng ghép thực hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; các chương trình, dự án có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế; gắn với phát triển 10 bản văn hóa du lịch… Hàng năm các tổ hợp tác, HTX nghề truyền thống đều được các cơ quan trong tỉnh (Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến thương mại…) hỗ trợ đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Liệt kê trên để thấy rằng, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ta đã có tiềm năng nội tại, lại có chủ trương, chính sách thúc đẩy thực sự là cơ hội, đòn bẩy mạnh mẽ cho những cá nhân, tập thể, HTX say mê, nhiệt huyết với nghề của cha ông để lại.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top