Tuần Giáo chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

08:52 - Thứ Sáu, 28/02/2020 Lượt xem: 8623 In bài viết

ĐBP - Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22.785 con trâu, 9.448 con bò, 64.702 con lợn và trên 9,5 triệu con gia cầm. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh, cải tạo chuồng nuôi, không để ngập úng; chủ động phòng, chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi không ngừng tăng. So với năm 2018, số lượng đàn vật nuôi tăng đáng kể (tăng 665 con trâu, 698 con bò và 64.550 con gia cầm).

Người dân xã Quài Tở chăm sóc gia súc.

Ðầu năm 2019, khi trên địa bàn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng, chống dịch; công bố dịch và kiên quyết tiêu hủy 11.155 con lợn. Ðến nay sau khi công bố hết dịch, người dân đang tích cực đẩy mạnh phục hồi chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện rải rác bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò với số lượng 35 con mắc bệnh tại 6 xã: Quài Cang, Quài Tở, Quài Nưa, Tỏa Tình, Mùn Chung, Mường Mùn và thị trấn Tuần Giáo. Ngành chuyên môn huyện và người dân tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, điều trị đến nay có 15/35 con đã khỏi bệnh.

Hàng năm, nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, huyện tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho vật nuôi 2 đợt/năm. Ðợt 1 tiêm phòng trong tháng 3 và tháng 4, đợt 2 tiêm trong tháng 9, tháng 10. Ðối với các loại vắc xin từ nguồn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh như: Nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn, LMLM, nội dung và định mức tiêm phòng huyện thực hiện theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðối với vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, huyện Tuần Giáo tiêm phòng trên địa bàn toàn huyện theo cơ chế dịch vụ; tiêm phòng chính vào tháng 3, tháng 4 và tiêm bổ sung hàng tháng đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 70% tổng đàn. Cùng với việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường 2 đợt/năm, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, người dân vệ sinh, nâng cấp, cải tạo chuồng nuôi, không để ngập úng, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh khu vực chăn nuôi. Ðồng thời tận thu, dự trữ, chế biến, bảo quản nguồn thức ăn cho trâu, bò như: Thu gom và dự trữ rơm, rạ, cây ngô, ngọn mía, cắt cỏ tự nhiên phơi khô hoặc ủ chua làm thức ăn.

Qua đánh giá, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Tuần Giáo có bước phát triển tích cực theo hướng phát huy thế mạnh từng vùng. Tại khu vực thị trấn và các xã: Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh, người dân phát triển chăn nuôi lợn thịt. Còn với các xã có lợi thế về địa điểm chăn thả, đồng cỏ, thức ăn dồi dào như: Tỏa Tình, Mường Thín, Rạng Ðông, Phình Sáng, Ta Ma thì phát triển chăn nuôi trâu, bò. UBND huyện khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất trống, đất không trồng cây vụ đông để trồng cỏ voi, khoai lang làm thức ăn dự trữ cho vật nuôi. Cùng với đó, huyện tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi; công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, giúp bà con nhận biết dấu hiệu và cách phòng, chống các loại bệnh thường gặp như: Tụ huyết trùng, LMLM, dịch tả, tai xanh, nhiệt thán... Phát hiện và cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện nhiễm bệnh, tránh lây lan sang các vật nuôi khác. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm không chỉ tập trung trong mùa rét hoặc khi có dịch, bệnh xảy ra mà chính quyền cơ sở, người chăn nuôi chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm để đảm bảo cho vật nuôi luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top