Chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

08:46 - Thứ Hai, 02/03/2020 Lượt xem: 11046 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc. Ðến ngày 20/2, tổng số lợn đã tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là 23.418 con. Bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò xuất hiện tại một số xã như: Na Tông, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) với 8 con mắc bệnh, 1 con chết. Tại huyện Tuần Giáo xuất hiện rải rác bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò với 35 con mắc bệnh tại 6 xã: Quài Cang, Quài Tở, Quài Nưa, Tỏa Tình, Mùn Chung, Mường Mùn và thị trấn Tuần Giáo.

Sau khi thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) công bố hết dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Vũ Ngọc Viện, thôn Tân Phong đã mua thuốc phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi và mua lợn giống để tái đàn. Trong ảnh: Gia đình ông Vũ Ngọc Viện chăm sóc đàn lợn.  Ảnh: Phạm Trung

Trước diễn biến của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, UBND tỉnh đã ban hành công điện chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa để người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng dịch như: Vệ sinh chuồng trại, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tăng cường chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi. UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã tập trung theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, tiêm phòng các loại vắc xin theo quy trình. Ðồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị để chủ động tổ chức triển khai ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm ở động vật.

Ông Ðỗ Thế Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay đã có 99/100 xã qua 30 ngày không phát hiện lợn mắc dịch tả châu Phi, chỉ còn xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa vẫn còn xuất hiện lợn chết vì dịch bệnh, 1 - 2 con/tuần; 61 xã đã công bố hết dịch. Nhưng do chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp duy nhất là chủ động phòng ngừa. Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện tiếp tục theo dõi diễn biến dịch tả lợn châu Phi; tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện sớm ổ dịch, ngăn dịch bệnh phát sinh và lây lan. Ðối với bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng trên trâu bò, các địa phương đã kịp thời phát hiện và triển khai các giải pháp để xử lý dứt điểm. Bệnh dịch cúm gia cầm hiện đang ở trạng thái tiềm ẩn nguy cơ, tỉnh ta chưa ghi nhận, phát hiện gia cầm chết do vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gia cầm chủ động các biện pháp phòng dịch như: Tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm đầy đủ vắc xin và tăng cường chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gia cầm. Bên cạnh đó, các địa phương phải kiểm soát chặt lượng gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật vào địa bàn và kiểm soát các khu giết mổ để phòng chống dịch bệnh.

Gia đình ông Lê Văn Lương, bản Tà Lèng (xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) chăn nuôi gia cầm với quy mô gần 1.500 con gà/lứa. Ông Lương cho biết: Tôi đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là với dịch cúm gia cầm. Mỗi lứa gà đều được tiêm phòng đầy đủ, phòng và trị bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Ðồng thời, tăng cường chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gà, góp phần giảm khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, khu chuồng trại của gia đình cách biệt với các hộ khác nên phần nào hạn chế khả năng lây bệnh.

Bà Chu Thị Mai, Tổ trưởng tổ thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Hiện nay TP. Ðiện Biên Phủ đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi song Trung tâm vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi diễn biến dịch và thận trọng tái đàn. Ðối với dịch cúm gia cầm, Trung tâm đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm soát gia cầm vào địa bàn và các khu vực giết mổ gia cầm. Ðến nay, TP. Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, khi Chi cục Thú y cấp thuốc sẽ tiến hành phun phòng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top