Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

08:58 - Thứ Sáu, 06/03/2020 Lượt xem: 8263 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện nay dịch cúm gia cầm H5N6 đang bùng phát, lây lan tại nhiều địa phương trong cả nước. Ðể chủ động và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trên toàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên tiếp nhận hóa chất phun tiêu độc khử trùng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 530 nghìn con gia súc và hơn 4,2 triệu con gia cầm. Năm 2019, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã làm giá trị sản xuất chăn nuôi giảm so với năm 2018; trong đó, đàn gia súc giảm 11,5% so với năm trước. Sau dịch tả lợn châu Phi, nhu cầu vận chuyển, giết mổ tiêu thụ gia cầm (thay thế thịt lợn) từ các địa phương khác vào địa bàn tỉnh rất cao, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được các ngành, địa phương trong toàn tỉnh chủ động triển khai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành cấp hơn 21.600 lít hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố để phun tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi tái phát và các dịch bệnh khác ở vật nuôi. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng, vật tư sẵn sàng thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng đồng loạt cùng thời điểm, tăng cường phát hiện và phối hợp xử lý kịp thời các ổ dịch nếu xảy ra.

Ðến đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm; tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H5N6 tại các tỉnh, thành khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch bệnh; không được chủ quan, lơ là; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, phân công cho cán bộ chuyên môn huyện, cán bộ nông nghiệp và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh nếu xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Huyện Ðiện Biên có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn với nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn. Toàn huyện có gần 109 nghìn con gia súc và gần 1,9 triệu con gia cầm. Ðể đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi để phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch cúm gia cầm H5N6, dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng…

Ông Trần Ðình Tửu, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên cho biết hiện nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 lít hóa chất để chuẩn bị công tác tiêu độc khử trùng cho đàn vật nuôi tại 21/21 xã và 6 chợ dân sinh trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, công tác tiêm phòng đợt 1 trên đàn gia súc, gia cầm của huyện sẽ được triển khai thực hiện từ đầu tháng 4 với khoảng 5.000 liều vắc xin. Ðể công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, hiện nay các cơ quan chuyên môn huyện tích cực phối hợp với các xã rà soát, thống kê đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng. Ðồng thời, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ thú y thường xuyên bám sát cơ sở, phát hiện sớm các ổ dịch (nếu có) để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất cho người dân.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top