TP. Ðiện Biên Phủ

Khó khăn trong tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

15:14 - Thứ Hai, 09/03/2020 Lượt xem: 10226 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ khiến người dân phải tiêu hủy hơn 2.300 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 100 tấn, đã gây ảnh hưởng lớn tới đàn lợn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mặc dù địa bàn thành phố đã công bố hết dịch nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn về vốn và giống khi tái đàn.

Người dân phường Thanh Trường vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị tái đàn.

Tháng 5/2019, đàn lợn gần 100 con của gia đình anh Nguyễn Mạnh Toàn, bản Na Púng, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 5 tấn. Bị thiệt hại nặng, bởi đây là nguồn thu chính khiến gia đình anh lao đao. Trước đây, anh dự tính dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ có thêm một khoản thu nhập, vậy mà bỗng chốc mất luôn con giống để tái đàn và lợn cũng không còn để bán. Từ đó đến nay, gia đình anh chưa dám tái đàn mặc dù trên địa bàn phường không còn xảy ra dịch bệnh. Anh Toàn cho biết: “Sau dịch bệnh, gia đình tôi đã vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng để chuẩn bị cho việc tái đàn. Tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn có nhu cầu tái đàn để cung cấp thịt lợn thương phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra không chỉ riêng trong tỉnh mà còn xảy ra ở các địa phương khác nên thời điểm này không chỉ khan hiếm lợn giống mà giá lợn giống cũng đang ở mức rất cao, khoảng 1,6 - 2 triệu đồng/con. Việc nhập lợn giống giá cao thương phẩm vào thời điểm này khiến người chăn nuôi như chúng tôi có nguy cơ “thiệt hại kép” nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải lợn giống không an toàn”.

Cũng giống như anh Nguyễn Mạnh Toàn, mặc dù rất muốn tái đàn và có thể đảm bảo các điều kiện tái đàn theo quy định của cơ quan chuyên môn, nhưng hiện nay trại chăn nuôi lợn của anh Ðặng Công Tiến, bản Huổi Phạ, phường Him Lam vẫn để trống chuồng. Sau tiêu hủy, anh thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh. Anh Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi đã bỏ rất nhiều vốn liếng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi theo hệ thống khép kín, có hệ thống điều hòa làm mát cho đàn lợn nái và lợn đực lấy tinh, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông và quy mô hàng trăm con lợn thịt/lứa. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 5/2019, gia đình tôi bị thiệt hại gần 17 tấn lợn, với 408 con bị tiêu hủy hoàn toàn. Mặc dù gia đình đã nhận được 58% tiền hỗ trợ từ UBND thành phố nhưng thiệt hại do dịch bệnh khiến gia đình tôi không đủ vốn để vực dậy sau hậu quả nặng nề này. Dù biết giá lợn hơi đang cao so với trước đây nhưng tôi vẫn chưa dám tái đàn do giá lợn giống cao. Nếu đầu tư đàn lợn như quy mô ban đầu thì cần một số vốn tương đối lớn nên tôi phải tính toán sao cho hợp lý để phù hợp với khả năng hiện tại của gia đình”.

Hiện nay, việc tái đàn lợn là cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là góp phần cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân đã bắt đầu tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người chăn nuôi đều gặp khó khăn về nguồn giống và giá lợn giống cao nên đa số người dân không tái đàn một cách ồ ạt, vội vàng, mà chỉ nuôi từ 5 - 7 con. Là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, gia đình ông Lường Văn Minh, bản Na Lanh, phường Thanh Trường cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Ông Minh cho biết: “Sau hơn 2 tháng để trống chuồng, nhận thấy trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh nên cách đây 1 tháng gia đình đã mạnh dạn chăn nuôi trở lại. Nhưng do lợn giống khan hiếm, giá thành lại cao nên tôi mua 5 con lợn giống từ người dân trong khu vực hết khoảng 10 triệu đồng. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, giá lợn giống hiện cao gấp đôi. Hơn nữa, để đảm bảo nguồn thu nhập và tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra tôi chủ động chăn nuôi thêm gia cầm, thực hiện nuôi giãn lứa và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn…”.

Mặc dù hiện nay, TP. Ðiện Biên Phủ đã công bố hết dịch, nhưng để người chăn nuôi yên tâm tái đàn thì rất cần các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời, tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, trong thời gian tới tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố mới phát triển ổn định như trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi và ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top