Vướng mắc trong thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

09:23 - Thứ Năm, 12/03/2020 Lượt xem: 9202 In bài viết

ĐBP - Theo Quyết định 1232/QÐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020”, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các doanh nghiệp thoái vốn tổ chức triển khai thực hiện song đến nay vẫn còn 2 doanh nghiệp chưa hoàn tất việc thoái vốn.

Ðến nay, Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên đã 2 lần thực hiện bán cổ phần nhưng đều không thành công. Trong ảnh: Công nhân Ðội cấp nước thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo (Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên) vận hành hệ thống xử lý nước.

Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh không có doanh nghiệp cổ phần hóa, chỉ có 4 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn Nhà nước, gồm: Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng và Quản lý giao thông tỉnh; Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Ðiện Biên; Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên. Mục tiêu của việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức triển khai thực hiện. Ðồng thời đôn đốc các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn khẩn trương rà soát, kiểm tra, xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai thực hiện bán cổ phần theo quy định. Kết quả, đến nay đã có 2 doanh nghiệp hoàn tất việc thoái vốn Nhà nước và nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên.

Hiện nay còn 2 doanh nghiệp chưa hoàn tất việc thoái vốn do gặp khó khăn, vướng mắc. Công ty cổ phần Cấp nước Ðiện Biên có vốn Nhà nước là 390,9 tỷ đồng (chiếm 99,415% vốn điều lệ). Tháng 3/2019, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển nhượng một phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty và ủy quyền cho Sở Tài chính đại diện cơ quan chủ sở hữu lựa chọn, ký hợp đồng thuê tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị thực tế phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp; xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước chuyển nhượng và xây dựng phương án chuyển nhượng. Theo đó, phần vốn chuyển nhượng là hơn 190,3 tỷ đồng (chiếm 48,415% vốn điều lệ). Tháng 11/2019, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm cổ phần Nhà nước để thực hiện thoái vốn Nhà nước tại công ty, với giá khởi điểm 10.700 đồng/cổ phần. Tất cả các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đều có thể tham gia đấu giá theo quy định pháp luật; thời gian thực hiện bán hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên đến nay việc thoái vốn Nhà nước tại công ty này vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Lệ Quế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên cho biết: Ðến nay, đơn vị đã 2 lần thực hiện thoái vốn Nhà nước nhưng đều không thành công. Lần đầu từ năm 2016 chỉ bán được 0,89% cổ phần, chủ yếu bán cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Lần 2 vào tháng 2/2020, nhưng đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá, vì vậy cuộc đấu giá không đủ điều kiện tổ chức. Nguyên nhân do doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, giá trị vốn điều lệ tuy lớn nhưng lại là giá trị của các công trình cấp nước. Hàng năm doanh nghiệp được bổ sung vốn bằng các công trình cấp nước thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa thực hiện đăng ký tăng vốn điều lệ. Vì vậy, khi doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ thì tỷ lệ cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ cao hơn tỷ lệ hiện nay là 99,415%. Mặt khác, giá bán sản phẩm công ích (nước) lại thực hiện theo quy định Nhà nước, song do ngân sách tỉnh còn khó khăn nên không xem xét cấp bù phần chênh lệch giữa giá thành và giá bán nên hiệu quả hoạt động kinh doanh không cao, không thu hút được các nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp tham gia mua cổ phần. Cùng với đó, nền kinh tế gặp khó khăn, chính sách đầu tư công bị thắt chặt, cắt giảm, nguồn lực doanh nghiệp hạn hẹp, chưa có điều kiện đầu tư các dự án mới, những dự án có quy mô lớn, ổn định lâu dài mà mới tập trung mua sắm trang thiết bị phục vụ thi công, sửa chữa công trình… Do đó hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh doanh nghiệp thấp, chưa thu hút được nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần.

Ðối với Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng và Quản lý giao thông tỉnh, có tổng vốn điều lệ 9,7 tỷ đồng, trong đó 63% vốn Nhà nước và phần vốn Nhà nước phải thực hiện thoái vốn hơn 5,745 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp từ cuối tháng 9/2017 nhưng đến nay việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất. Ông Ðỗ Thanh Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Xây dựng và Quản lý giao thông tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp một số khó khăn do thay đổi cách tính định giá đất, trong khi tài sản doanh nghiệp không tập trung, chủ yếu dàn trải trên các tuyến đường. Vì vậy trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp việc rà soát, kiểm tra, xác định lại giá trị và xử lý tài chính để thoái vốn mất nhiều thời gian. Hiện nay công ty đã thực hiện kiểm toán xong báo cáo tài chính năm 2018 và đang xây dựng phương án thoái vốn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Tài chính cũng đã ký hợp đồng định giá với Công ty Cổ phần Ðịnh giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam để thực hiện việc xác định giá trị thực tế phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn, đặc thù của từng công ty trong quá trình thực hiện thoái vốn thì còn những khó khăn chung từ cơ chế, chính sách. Ðơn cử việc quy định “cứng”: Chủ tịch hội đồng thành viên không được kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty và các doanh nghiệp khác; chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc trong các doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết (Ðiều 92 và Ðiều 152, Luật Doanh nghiệp năm 2014) là không phù hợp. Với những doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng, việc phải tổ chức bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí tiền lương cao đã làm giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và không cần thiết. Bên cạnh đó, việc quy định nhiệm kỳ kiểm soát viên trong doanh nghiệp Nhà nước giữa luật và nghị định đang có sự không đồng nhất. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 5 năm”, thế nhưng Nghị định 97/2015/NÐ-CP ngày 19/10//2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lại quy định thời hạn giữ chức vụ đối với kiểm soát viên là 3 năm.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top