Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

09:03 - Thứ Sáu, 13/03/2020 Lượt xem: 10740 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là tình hình khô hạn kéo dài. Trước tình hình đó các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để hạn chế tối đa thiệt hại.

Gia đình chị Bùi Thị Tấn, bản Ðông Biên 1, xã Thanh An thu hoạch khoai lang trên diện tích đất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: Các loại rau, ngô, lạc, khoai lang, đậu tương… cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán. Tính riêng vụ đông xuân năm 2019 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 52ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mấy năm gần đây, thời tiết diễn biến theo hướng cực đoan, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, trên địa bàn tỉnh ta thường xuyên bị khô hạn, cây trồng thiếu nước, giảm năng suất sản lượng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố vận động, khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại. Các diện tích đã chuyển đổi cơ bản phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Vài năm trở lại đây, do thời tiết khô hạn, cánh đồng của các bản: Ðông Biên 1, Ðông Biên 2, Ðông Biên 3 (xã Thanh An, huyện Ðiện Biên) không đủ nước để sản xuất lúa đông xuân, UBND xã đã vận động người dân chuyển đổi sang loại cây trồng ngắn ngày khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và người dân đã lựa chọn cây khoai lang. Qua 3 năm chuyển đổi, cây khoai lang thích nghi với thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết khô hạn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Chị Bùi Thị Tấn, bản Ðông Biên 1 cho biết: “Từ năm 2018 trở về trước, trên diện tích này tôi vẫn cố trồng lúa nhưng do thiếu nước nên năng suất, sản lượng thấp. Từ năm 2019, tôi đã chuyển 4.000m2 trồng lúa sang trồng khoai lang. Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi, tôi nhận thấy cây khoai lang dễ trồng, nhu cầu về nước ít hơn, chi phí đầu tư ít hơn cây lúa. Với giá bán trung bình 11.000 - 12.000 đồng/kg mua tại ruộng thì cây khoai lang cho thu nhập gấp 2 - 3 lần cây lúa”.

Ông Lò Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Triển khai vụ sản xuất đông xuân năm 2020, UBND xã cử cán bộ nông nghiệp đi rà soát các diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Ðối với các diện tích có nguy cơ thiếu nước không thể trồng lúa, UBND xã vận động người dân chuyển đổi sang trồng màu để hạn chế thiệt hại. Năm nay toàn xã đã chuyển đổi được 10ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, chủ yếu là khoai lang. Qua 3 năm chuyển đổi, khoai lang Thanh An đã được nhiều thương lái biết đến và tìm về tận ruộng thu mua.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, vụ đông xuân năm nay, huyện Ðiện Biên đã chuyển đổi 32,5ha đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày để thích ứng với tình trạng khô hạn kéo dài, gồm: 4,4ha ngô; 5ha đậu tương; 1ha lạc; 5,7ha khoai lang; 17,5ha rau.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ðối với một số xã vùng ngoài, xã trên kênh vẫn có một phần diện tích chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, tình trạng thiếu nước vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay. Vì vậy, triển khai sản xuất vụ đông xuân hàng năm, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát, đăng ký và vận động người dân chuyển đổi cây trồng để hạn chế thiệt hại. Hiện nay, các diện tích cây trồng chuyển đổi đang phát triển rất tốt. Ðối với các hộ có diện tích trong diện chuyển đổi nhưng vẫn cố trồng lúa, UBND huyện chỉ đạo nếu những diện tích này bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán thì kiên quyết không đưa vào diện hỗ trợ thiệt hại để người dân rút kinh nghiệm và thực hiện chuyển đổi trong những mùa vụ tiếp theo.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top