Nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả

09:04 - Thứ Sáu, 13/03/2020 Lượt xem: 10182 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 920 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, sử dụng; trong đó cấp tỉnh quản lý 37 công trình và cấp huyện quản lý, khai thác 883 công trình thủy lợi. Trong số đó, còn một số công trình do nguồn vốn đầu tư ban đầu còn hạn chế, chưa đồng bộ, công trình mới chỉ đầu tư hoàn thiện hạng mục đầu mối và tuyến chính, các tuyến nhánh và tuyến nội đồng chưa được đầu tư nên khả năng đáp ứng sản xuất chưa cao, tỷ lệ thất thoát nước lớn. Các công trình có đầu mối là phai tạm, phai rọ thép sử dụng sau 1 - 2 mùa mưa là bị hư hỏng. Theo thống kê, hiện nay chỉ có 409 công trình trong tổng số công trình thủy lợi hoạt động tốt, 403 công trình hoạt động bình thường và 110 công trình hư hỏng. Các công trình hư hỏng có thời gian khai thác, sử dụng dưới 5 năm (tính đến nay), gồm 14 công trình; thời gian khai thác, sử dụng trên 5 năm có 96 công trình, nguyên nhân chủ yếu do thiên tai; các công trình hư hỏng chủ yếu do cấp huyện quản lý với 109/883 công trình, chiếm 12,3%.

Công trình thủy lợi trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Huyện Ðiện Biên Ðông có 147 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho 735ha lúa vụ đông xuân và gần 2.400ha lúa vụ mùa. Tuy nhiên, nhiều công trình đến nay hoạt động kém hiệu quả hoặc đã hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Ðiển hình như công trình thủy lợi Na Ngựu II, bản Na Ngựu, xã Phì Nhừ, được đầu tư năm 2014 với tổng mức hơn 5,2 tỷ đồng, thi công theo hình thức đập dâng, nhằm phục vụ tưới cho 22ha lúa vụ chiêm và 32ha lúa vụ mùa. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được một thời gian đến nay đã bị hư hỏng, không phát huy tác dụng.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Toàn huyện có khoảng 20% công trình thủy lợi hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân do địa bàn vùng cao mùa mưa lũ đất xói lở vùi lấp, phá vỡ hệ thống kênh mương; có công trình vừa đưa vào khai thác, sử dụng đã bị mưa lũ làm hỏng. Trong khi đó, nguồn vốn để khắc phục, sửa chữa các công trình hư hỏng rất hạn chế.

Công trình Thủy lợi Co Sản, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) được đầu tư xây dựng từ năm 2015, với tổng mức đầu tư 622 triệu đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi. Thủy lợi Co Sản được xây dựng với dung tích thiết kế tưới cho 38ha lúa 2 vụ. Ðược biết, không chỉ thủy lợi Co Sản, huyện Ðiện Biên còn 66/172 công trình thủy lợi đã hư hỏng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không phải tất cả các công trình thủy lợi hư hỏng đều do mưa lũ gây ra, mà có những công trình mới xây xong đã không sử dụng được. Ðiển hình như công trình Thủy lợi Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) được đầu tư xây dựng từ giai đoạn 2013 - 2015, có tổng mức đầu tư hơn 7,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn Ðề án 79. Tổng chiều dài tuyến kênh đã kiên cố 2,68km; diện tích tưới theo thiết kế vụ mùa 55,5ha. Tuy nhiên, ngay từ khi bàn giao năm 2015, công trình đã không hoạt động được. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng thi công công trình chưa đảm bảo quy định; đầu mối và toàn bộ tuyến kênh bị thẩm thấu nước. Ðầu mối, phần mặt đập đã bị bong tróc, lộ phần thép. Nước chảy vào hầm thu nước ít, có hiện tượng thấm nước qua thân đập và hầm thu nước; nước bị thẩm thấu dẫn đến không có nước chảy vào kênh. Do không có nước chảy vào kênh nên kênh dẫn bị đứt gãy, thành kênh hư hỏng, đáy kênh bị vùi lấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các công trình thủy lợi không phát huy hiệu quả, như: Thi công kém chất lượng; mưa lũ; công trình chưa được kiểm tra, duy tu thường xuyên, hư hỏng không được phát hiện và sửa chữa kịp thời… Do vậy, để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, trước hết phải đảm bảo chất lượng đầu tư, xây dựng công trình; cần thành lập, củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý tưới; thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình được giao theo phân cấp; ưu tiên kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top