Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

08:58 - Thứ Tư, 18/03/2020 Lượt xem: 11493 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử thì thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán trực tiếp bằng hình thức quẹt thẻ, chuyển khoản hay các ví điện tử) đang được người dân trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ sử dụng ngày càng nhiều, chủ yếu tại các siêu thị, cửa hàng và những cơ sở kinh doanh lớn.

Người dân thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ tại Siêu thị Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ).

Trao đổi với chúng tôi về hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, anh Hoàng Bá Duy, quản lý Siêu thị Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Trên thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức không mới. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Ðề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, và đã áp dụng khá phổ biến trong cuộc sống của người dân ở thành phố, như: Thu tiền điện, cước điện thoại, mua mã thẻ di động, mua hàng hóa tại các siêu thị, thanh toán mua bán qua các ví điện tử, chỉ cần người tiêu dùng có thẻ ngân hàng, tài khoản Mobile Banking và tài khoản trên các ví điện tử. Thời gian gần đây, với sự phát triển của tiện ích cuộc sống trên các mạng điện tử, việc mua bán, trao đổi hàng hóa, mua sắm của người dân đều có thể chi trả bằng tiền lưu thông trên hệ thống, mà không phải sử dụng tiền mặt. Hình thức này đối với Siêu thị Hoa Ba nói riêng và các sàn thương mại điện tử nói chung rất hữu ích. Bởi việc tiền được thanh toán trên hệ thống giúp nhân viên bán hàng giảm thời gian, công sức thu, đếm và trả lại tiền cho khách; hạn chế nhầm lẫn, giúp việc quản lý tiền thu, chi trên hệ thống được rõ ràng và an toàn hơn”.

Từ đầu năm đến nay, khách hàng đến Siêu thị Hoa Ba mua sắm hàng hóa và trả tiền bằng hình thức chuyển khoản hay quẹt thẻ đã tăng 40% so với các thời điểm trước. Chính vì thế, mới đây toàn bộ các quầy thanh toán trong siêu thị đã được bổ sung máy quẹt thẻ theo Dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ qua PosBIDV (Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam); đồng thời làm biển hướng dẫn khách hàng có thể thanh toán theo 2 cách: Quẹt thẻ tại quầy hoặc chuyển khoản cho số tài khoản của siêu thị (in trên biển hướng dẫn).

Có mặt tại quầy thanh toán của Siêu thị Hoa Ba, chúng tôi đã chứng kiến nhiều khách hàng thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ. Bà Nguyễn Thị Vinh (thường trú tại tổ dân phố 5, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) là khách hàng mua sắm tại Siêu thị Hoa Ba cho biết: “Khi đi mua sắm tại siêu thị, tôi thường thanh toán bằng cách quẹt thẻ ngân hàng. Hình thức này giúp tôi không phải trả, nhận tiền mặt, tránh sự nhầm lẫn; hơn nữa, tôi không cần phải mang theo tiền mặt trong người, không lo việc giữ tiền hay chẳng may bị đánh rơi”.

Nhiều khách hàng chờ thanh toán tại quầy cũng cho biết, họ đang dần có thói quen mua sắm không dùng tiền mặt, bởi các ưu điểm như: Giảm thời gian, chi phí đi rút tiền; tránh tình trạng quá tải tại các điểm rút tiền công cộng; giúp dễ dàng kiểm soát số tiền ra, vào tài khoản; hạn chế trả nhầm tiền, rơi, mất tiền mặt... Bên cạnh đó, hiện nay đang là thời điểm có dịch bệnh Covid-19, dễ dàng lây lan qua tiếp xúc, trao đổi trực tiếp, vì thế việc hạn chế đến các nơi công cộng như máy rút tiền tự động (ATM) hay hạn chế tiếp xúc với tiền giấy đang lưu thông trên thị trường để phòng tránh dịch bệnh là điều nên làm.

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, buôn bán lớn, mà một số cửa hàng kinh doanh vừa và nhỏ trong thành phố cũng đã trang bị hệ thống máy quẹt thẻ để người dân lựa chọn hình thức thanh toán. Các chủ cửa hàng đều nhận định rằng, thời điểm gần đây, việc thanh toán tiền bằng hình thức quẹt thẻ hay chuyển khoản đang trở nên phổ biến. Bà Nguyễn Thị Hồng Lựu, chủ Cửa hàng Vàng bạc Nghị Lựu (Chợ Trung tâm I, TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: “Thời gian này, khách đến cửa hàng tôi mua vàng phần lớn là chuyển khoản hoặc quẹt thẻ. Có ngày tôi bán hàng từ sáng đến chiều mà không cầm đồng tiền mặt nào. Tôi rất ủng hộ thói quen mua sắm không dùng tiền mặt, vì giúp số tiền mua hàng lưu thông trên hệ thống vào tài khoản của tôi đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời giúp tôi và người nhà không phải mất thời gian đếm, trả tiền cho khách, nhất là khi khách mua hàng với số lượng lớn”.

Chị Nguyễn Thị Dương, chủ cửa hàng kinh doanh đồ may mặc trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết: “Nắm bắt được xu hướng của khách hàng, chúng tôi cũng đã mở tài khoản ngân hàng và mua máy quẹt thẻ để phục vụ khách. Làm như vậy cũng là một cách để giữ khách, giúp khách có thêm phương án lựa chọn thanh toán, an tâm mua sắm khi không đem theo tiền mặt.

Còn tại các cửa hàng nhỏ, bán lẻ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, mặc dù chưa sắm được thiết bị thanh toán quẹt thẻ, nhưng nắm được xu thế hiện nay, người bán hàng cũng tinh ý ghi lại số tài khoản vào tấm biển, rồi đặt ở quầy thanh toán để người mua hàng dễ dàng chuyển khoản mà không phải dùng tiền mặt. Khi đi mua hàng tại Chợ Trung tâm II (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ), chúng tôi cũng dễ dàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho chủ cửa hàng.

Về lâu dài, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt có khá nhiều tiện ích. Trong thời buổi công nghệ thông tin và thương mại điện tử đang phát triển như hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Ðiện Biên nói chung đang được người dân hưởng ứng và có xu hướng phát triển. Có thể thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các chủ cơ sở kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên địa bàn đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ðiều này đã góp phần vào việc dẫn hướng, thúc đẩy phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2545/QÐ-TTg, ngày 30/12/2016.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top