Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách

08:43 - Thứ Năm, 19/03/2020 Lượt xem: 12277 In bài viết

ĐBP - Thu hút đầu tư theo hình thức PPP được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện loại hình đầu tư này trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều vướng mắc.

Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP được xác định là giải pháp tạo đột phá để thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị của tỉnh. Trong ảnh: Một góc TP. Ðiện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: Ðức Thành

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư (Cơ quan thường trực triển khai các dự án PPP trên địa bàn), tỉnh ta triển khai thực hiện các dự án PPP từ năm 2017, với các loại hợp đồng dự án chủ yếu là xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Trong đó, có 3 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận và phê duyệt chủ trương đầu tư là: Dự án Ðầu tư xây dựng đường Thanh Minh - đồi Ðộc Lập và khu dân cư (đường vành đai phía Bắc), thành phố Ðiện Biên Phủ; Dự án Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 thành phố Ðiện Biên Phủ; Dự án Chợ thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo. Dự kiến, các dự án PPP có tổng mức đầu tư lên tới gần 400 tỷ đồng, khi được triển khai sẽ tăng thu ngân sách cho các địa phương có dự án đầu tư. Bên cạnh đó, khi được đầu tư xây dựng, các dự án này còn góp phần quan trọng cải tạo đất đai; phát triển mạng lưới giao thông, tạo quỹ đất ở, đất phát triển thương mại...

Với hàng loạt lợi ích quan trọng sẽ hiện hữu khi các dự án PPP được triển khai, song việc triển khai loại hình đầu tư này trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó sau nhiều năm triển khai, mới có 1 dự án lựa chọn được nhà đầu tư. Ðó là Dự án Khu tái định cư các hộ dân đường 15m từ cầu A1 xuống cầu C4 thành phố Ðiện Biên Phủ được UBND thành phố Ðiện Biên Phủ ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Lộc thực hiện theo loại hợp đồng BT. Một số dự án khác, công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện từ lâu, song chưa thể triển khai do gặp nhiều vướng mắc.

Theo ông Vũ Lệnh Nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, thì vướng mắc cơ bản trong triển khai các dự án PPP là quy định của Nhà nước về đất đai liên quan đến giải phóng đền bù, hay cơ sở để xác định chi phí phát triển quỹ đất trong phương án tài chính của nhà đầu tư; việc xác định phương pháp định giá đất, xác định giá trị quỹ đất giao nhà đầu tư, thực hiện dự án khác, trong dự án BT là chưa cụ thể và chưa lường hết được các tình huống trong thực tế. Ðặc biệt, đối với phương pháp xác định giá đất theo phương pháp thặng dư (là phương pháp cơ bản để xác định giá trị quỹ đất giao nhà đầu tư đối với dự án BT trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên), việc xác định chi phí phát triển quỹ đất cần phải quy định cụ thể trên thiết kế sơ bộ hay thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công của dự án khác là cơ sở để xác định chi phí phát triển quỹ đất trong phương án tài chính của nhà đầu tư. Vướng mắc tiếp theo là các dự án PPP khi lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo Luật Ðấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 30/2015/NÐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ và Thông tư số 15/2016/TT-BKHÐT ngày 29/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Tuy nhiên việc ban hành thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án PPP là quá rộng, gây khó khăn cho việc lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong từng loại hợp đồng cụ thể. Bên cạnh đó, việc chậm ban hành các hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT cũng là rào cản trong thực hiện các dự án. Trong khi đó chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành có liên quan về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành trong việc thẩm định và thực hiện công tác quản lý đối với từng loại hợp đồng trong dự án PPP. Trên địa bàn tỉnh, quỹ đất có giá trị thương mại cao để thanh toán cho nhà đầu tư rất hạn chế. Các nhà đầu tư đa phần chưa có kinh nghiệm trong việc lập đề xuất dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình đối với dự án PPP cho phù hợp với từng loại hợp đồng. Ðặc biệt là chưa hiểu về trình tự thực hiện dự án khác giao nhà đầu tư, dẫn đến hồ sơ còn thiếu nhiều nội dung, sai sót, công tác hoàn thiện hồ sơ còn chậm, do đó việc lấy ý kiến thẩm định phải thực hiện nhiều lần, là nguyên nhân khó thu hút đầu tư, hoặc gây chậm tiến độ đầu tư.

Ðược biết, thời gian gần đây UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư PPP tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành chủ động rà soát, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; thực hiện hiệu quả công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top