Ðồng hành với người chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi

09:27 - Thứ Sáu, 20/03/2020 Lượt xem: 9663 In bài viết

ĐBP - Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi, bên cạnh nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, các Ngân hàng cũng đồng hành với người chăn nuôi thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất…

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ chức tín dụng cho vay chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại hội sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Ðiện Biên. Ảnh: Phạm Trung

Ngày 21/3/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sau dịch kết thúc... đối với những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ðiện Biên đã nắm sát diễn biến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Ðồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP và Nghị định số 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 3 ngân hàng cho vay chăn nuôi lợn, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Ðến ngày 29/2, tổng dư nợ cho vay chăn nuôi lợn là 38,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại 1,59 tỷ đồng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1,47 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội 0,12 tỷ đồng). 100% dư nợ thiệt hại đã được các tổ chức tín dụng áp dụng hình thức hỗ trợ miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Khách hàng, hộ sản xuất và cá nhân (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Qua rà soát, tổng dư nợ cho vay chăn nuôi lợn của toàn chi nhánh là 16,37 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 10,59 tỷ đồng và trung, dài hạn 5,78 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại khoảng 1,47 tỷ đồng (chiếm 8,9% tổng dư nợ). Sau khi dịch tả lợn châu phi lắng xuống, khách hàng đã tất toán dư nợ và được ngân hàng tạo điều kiện cho vay mới 1,6 tỷ đồng để khôi phục sản xuất.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm hơn 400 con lợn (tổng trọng lượng 37 tấn) của gia đình chị T.T.H, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) bị tiêu hủy, thiệt hại hàng tỷ đồng. Sau đợt dịch, chị H. đã được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho vay mới để ổn định chăn nuôi. Chị T.T.H cho biết: Ðược sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, gia đình tôi đã được hỗ trợ thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng. Tôi đã sử dụng số tiền trên trả toàn bộ tiền vay ngân hàng để không phải gánh thêm lãi, sau đó đề nghị vay mới tiếp tục phát triển chăn nuôi và đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho vay mới 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, do chưa thể tái đàn lợn nên tôi đang tạm thời chuyển sang mô hình chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô 1.500 con/lứa.

Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là phù hợp với định hướng thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị tín dụng là đơn vị kinh doanh tài chính, khi thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi thì quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các đơn vị tín dụng sẽ phải chia sẻ với người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn, dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn châu Phi vừa qua. Ðây là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ðại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết: Ðơn vị kinh doanh thì phải đặt lợi nhuận lên trên hết, tuy nhiên trong trường hợp này ngân hàng phải trích một phần lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, cụ thể là người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh. Quan điểm là đồng hành với người chăn nuôi nhưng cũng phải cân bằng với lợi ích doanh nghiệp, vì thế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ áp dụng 2 hình thức hỗ trợ đối với dư nợ cho vay chăn nuôi lợn bị thiệt hại là: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạo điều kiện cho vay mới khôi phục sau dịch.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top