Bước đầu phát triển cây mắc ca tại huyện Ðiện Biên

09:14 - Thứ Hai, 23/03/2020 Lượt xem: 9030 In bài viết

ĐBP - Trên những diện tích nương bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí bỏ hoang, huyện Ðiện Biên đang dần chuyển sang trồng mắc ca - loại cây lâu năm, cho sản phẩm dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng.

Huyện Ðiện Biên có 4.013,6ha trồng mắc ca theo chủ trương, dự án đã phê duyệt của tỉnh, triển khai tại các xã: Thanh An, Thanh Xương và Phu Luông. Toàn bộ diện tích trên nằm ngoài quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, do người dân quản lý, đang sản xuất, luân canh. Có 2 phương án bố trí đất là chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp hoặc cho thuê đất, liên kết trồng mắc ca, do doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận với cơ chế hưởng lợi hài hòa. Hầu hết các hộ có đất quy hoạch trồng mắc ca đều lựa chọn chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Xã Thanh Xương có hơn 380ha đất (thuộc đội 13, 14) quy hoạch Dự án Ðầu tư phát triển cây mắc ca kết hợp với trồng cây lâm nghiệp do Công ty TNHH HL Ðiện Biên đầu tư. Ông Lường Văn Giới, Ðội trưởng đội 14, cũng là người có đất thuộc Dự án cho biết: “Bản có 75 hộ thì hơn 40 hộ có đất chuyển nhượng cho doanh nghiệp trồng mắc ca với mức giá 15 - 20 triệu đồng/ha tùy khoảng cách. Ðây đều là đất nương, xa nơi ở, đường đi không thuận lợi, trước đây bà con trồng ngô, sắn, lúa nương; nay đất bạc màu, nên hầu hết bị bỏ hoang đã gần 2 năm. Mấy năm nay, nhiều người dân trong bản đi làm thuê ở ngoài tỉnh và tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên các diện tích nương cũng không còn được để ý, quan tâm. Vì vậy các hộ đều đồng ý phương án bán đất để có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Lò Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: “Hơn 300ha đất đã được giao cho Công ty TNHH HL thành nhiều đợt để phát triển cây mắc ca. Người dân đều đồng thuận không có phản ánh gì. Doanh nghiệp cam kết trong quá trình triển khai dự án sẽ sử dụng lao động tại địa phương. Mỗi hộ trên địa bàn xã triển khai dự án, công ty tiếp nhận từ 1 - 2 lao động, mức lương khởi điểm khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên bà con yên tâm và ủng hộ”.

Mặc dù đã nhận đất từ đầu năm 2019 nhưng do thời tiết khô hạn kéo dài, nên trong năm Công ty TNHH HL mới chỉ triển khai trồng được 40ha mắc ca tại xã Thanh An, tỉ lệ cây sống không cao. Phần lớn diện tích còn lại đã được làm đất, khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng tiếp 50ha cây mắc ca.

Còn tại xã Phu Luông, theo quy hoạch có hơn 3.500ha trồng mắc ca do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh thực hiện đang gặp nhiều khó khăn hơn. Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông phê duyệt cuối năm 2018 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ giao được 158ha cho doanh nghiệp. Bởi một số hộ dân bản Lọng Ngua, Trung tâm và Mốc C5 chưa đồng thuận hoặc do dự việc chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp trồng mắc ca do tập tục truyền thống của người dân là để đất cho con cháu. Ngoài ra Công ty còn cho rằng một số thương lái thu mua nông sản khác đã tuyên truyền người dân không tham gia thực hiện Dự án nhằm mua được nông sản với giá thấp hơn thị trường. Tổ công tác của huyện, bao gồm lãnh đạo UBND, các phòng chức năng và chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia Dự án. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với doanh nghiệp phải làm rõ, thông tin đầy đủ các chế độ, chính sách nếu người dân tham gia Dự án và yêu cầu doanh nghiệp cam kết bằng văn bản để người dân yên tâm.

Ðược biết các diện tích đất trên của người dân đều là đất nương, có diện tích vẫn trồng trọt, có nơi đã bỏ hoang, năm nào thời tiết thuận lợi thì có chút nông sản thu hoạch, thời tiết khô hạn thì bỏ không. Theo tính toán của Chủ tịch UBND xã Phu Luông Lường Văn Biên: Mỗi hộ nếu tham gia Dự án nhiều nhất 5ha đất theo phương án cho thuê đất, thì 5 năm đầu mỗi năm có 20 triệu đồng tiền mặt (Công ty trả 4 triệu/ha/năm; 8 triệu đồng/ha/năm từ năm thứ 6 trở đi), thành viên trong gia đình có công việc thu nhập ít nhất 4,5 triệu đồng/người/tháng (theo cam kết của Công ty) thì cuộc sống bà con sẽ ổn định hơn.

Ông Ðặng Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh cho biết: “Sau nhiều lần tuyên truyền, nhiều hộ dân đã hiểu và bắt đầu đi đo đạc, quy chủ đất để tham gia Dự án. Công ty đang triển khai các bước chuẩn bị trồng cây mắc ca tại 158ha đất đã nhận bàn giao trước; thuê công nhân địa phương tiến hành phát cỏ, đào hố, bón lót phân chờ khi có mưa thì đặt cây trồng. Theo đúng cam kết tạo việc làm cho người dân trong xã, riêng đối với 158ha, Công ty cần thuê 50 - 60 người phát thực bì bằng máy, 100 - 200 người đào hố, trồng cây. Nếu triển khai được hơn 3.500ha như Dự án xây dựng thì tính riêng tại vùng nguyên liệu, Công ty sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 800 - 1.000 lao động là người bản địa”.

Nếu các dự án trên triển khai thuận lợi như đã xây dựng, doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết về chế độ, chính sách, quyền lợi của người dân thì phát triển cây mắc ca sẽ mang lại nhiều lợi ích - giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân các xã vùng cao.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top