Phát triển cây mắc ca, vướng thủ tục đất đai

14:51 - Thứ Sáu, 27/03/2020 Lượt xem: 12247 In bài viết

ĐBP - Sau thời gian khảo nghiệm, trồng thí điểm cho thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ðiện Biên, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh ta có chủ trương phát triển cây mắc ca ở một số huyện trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay các dự án phát triển cây mắc ca vẫn vướng thủ tục đất đai.

Công nhân Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Ðiện Biên vận chuyển cây giống phục vụ các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Trung

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Tỉnh ta có đủ điều kiện để phát triển và mở rộng diện tích cây mắc ca. Hiện nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng khoảng 694.753ha (chiếm 72,8% tổng diện tích tự nhiên), trong đó diện tích đất trống chưa có rừng khoảng 332.844ha; diện tích đất trồng cây hàng năm khác khoảng 65.411ha (chiếm 6,86% tổng diện tích tự nhiên). Với cơ cấu sử dụng đất của tỉnh cho thấy tiềm năng về đất đai để phát triển trồng cây mắc ca của tỉnh rất lớn. Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị khoa học, nghề nghiệp khác cho thấy Ðiện Biên là một trong số ít các tỉnh của nước ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đối với sự sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu sản phẩm hạt mắc ca toàn thế giới sẽ tăng từ 1% lên 5% tổng sản lượng hạt khô, tương đương khoảng 800.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng hạt mắc ca dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 400.000 tấn (chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu). Như vậy, trong hơn 10 năm tới lượng cung vẫn chưa đáp ứng được cầu. Ngoài ra, diện tích đất và vùng khí hậu phù hợp trồng mắc ca trên thế giới rất ít, do đó đây là lĩnh vực khó có thể bão hòa. Như vậy, việc phát triển cây mắc ca là hoàn toàn phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh về đầu tư phát triển các loài cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.840,78ha cây mắc ca (trồng thuần 2.298,05ha; trồng xen 542,73ha). Phần lớn diện tích cây mắc ca do các doanh nghiệp đầu tư trồng từ năm 2014 đến nay là 2.070ha; diện tích do các địa phương trồng xen che bóng cây cà phê, trồng thử nghiệm, người dân trồng tự phát là 771ha. Toàn tỉnh mới có 8ha cây mắc ca đã cho thu hoạch (tổng sản lượng từ năm 2015 - 2019 khoảng 33.670kg quả tươi).

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết: Các dự án phát triển cây mắc ca hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tích tụ đất đai. Do người dân chưa thấy rõ lợi ích của việc trồng mắc ca so với các loại cây trồng khác nên chưa đồng ý góp đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các dự án mắc ca đa số thực hiện tại địa bàn khó khăn nên việc triển khai dự án phải song song với việc đầu tư hạ tầng giao thông khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé của Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc đăng ký trồng 10.000ha trên địa bàn 6 xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu, Nậm Vì và Mường Nhé. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.238 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2019, Công ty sẽ triển khai trồng 5.000ha. Ðến thời điểm hiện tại, Công ty mới triển khai trồng được 250ha tại xã Sen Thượng.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Mặc dù doanh nghiệp đăng ký với huyện diện tích khá lớn nhưng tiến độ dự án có đảm bảo hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn của doanh nghiệp. Năm 2019, doanh nghiệp đăng ký trồng 5.000ha nhưng chỉ trồng được 250ha, đạt 5% kế hoạch đăng ký. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa hoàn thành các thủ tục đất đai đối với các hộ, cá nhân, tổ chức trên địa bàn xã Sen Thượng. Xã Sen Thượng được lựa chọn là xã điểm để triển khai dự án, bởi vì diện tích đất góp của người dân ít nên dễ thực hiện hơn nhưng sau 1 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với tình hình này, khi triển khai dự án tại các xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu, Nậm Vì và Mường Nhé - địa bàn chủ yếu người dân góp đất để thực hiện dự án dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) có quy mô gồm: Trồng 3.508,6ha mắc ca (trên đất không có rừng); trồng dược liệu xen với cây mắc ca; trồng bổ sung làm giàu rừng 1.041,3ha. Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tích tụ đất đai. Ông Ðặng Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH mắc ca Mường Then Ðiện Biên cho biết: Dự án được triển khai trên địa bàn 6 bản với 349 hộ dân có đất trong vùng dự án. Việc tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn, cá biệt có hộ sau nhiều lần vận động đã đồng ý góp đất nhưng khi doanh nghiệp đến nhà để hoàn thành thủ tục lại không đồng ý nữa. Ðây là nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng so với kế hoạch đăng ký với tỉnh.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top