Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa

08:55 - Thứ Hai, 30/03/2020 Lượt xem: 10475 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, các trà lúa trên địa bàn huyện Ðiện Biên đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ đến đứng cái. Ðây là thời điểm dễ xuất hiện các loại sâu, bệnh gây hại cho cây lúa như: Tập đoàn rầy, bệnh nghẹt rễ, bệnh đốm nâu và đặc biệt là bệnh đạo ôn lá... Ðể ngăn chặn dịch bệnh, hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất lúa đông xuân, UBND huyện Ðiện Biên chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh hại lúa.

Người dân bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Ðiện Biên gieo cấy hơn 4.000ha lúa, đến nay hầu hết các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt; trà sớm đang ở giai đoạn đứng cái đến phân hóa đòng, trà chính vụ và trà muộn ở giai đoạn đẻ nhánh và kết thúc đẻ nhánh. Thời gian qua, thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh sinh trưởng và phát triển. Tại một số xã: Thanh An, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương… có xuất hiện tình hình sâu bệnh, song chủ yếu bệnh thông thường như bệnh đạo ôn lá với diện tích nhiễm hơn 1.305ha. Tuy nhiên, nhờ tuân thủ tốt các biện pháp, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp về gieo cấy và phòng trừ sâu bệnh trên lúa, nên đến thời điểm này toàn huyện chưa xảy ra sâu, dịch bệnh lạ, nguy hiểm trên cây lúa.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 331ha, chủ yếu các loại giống: Séng cù, Bắc thơm số 7, IR64 và một số giống nếp. Ðến thời điểm này, hầu hết diện tích các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt; chưa phát hiện tình hình sâu bệnh nguy hại. Ngay từ đầu vụ, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ đúng cơ cấu giống; trong quá trình cây lúa phát triển thường xuyên theo dõi, phát hiện sâu bệnh. Ðồng thời sử dụng lượng phân bón thích hợp trong từng giai đoạn cây lúa sinh trưởng và phát triển khác nhau để tăng cường sức đề kháng.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, xã Mường Pồn gieo cấy trên 100ha lúa 2 vụ. Ðến nay chưa phát hiện tình hình sâu bệnh hại nguy hiểm. Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước vụ sản xuất, xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến từng thôn, bản để người dân thực hiện quy tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách), đảm bảo vừa có lợi cho cây lúa, vừa có lợi cho sức khỏe người nông dân. Người dân cần đọc kỹ và hiểu rõ các thông tin, ký hiệu nhãn thuốc, tên thuốc, tên hoạt chất, dạng thuốc; đối tượng sâu bệnh và liều lượng phun; khối lượng hoặc dung tích, độ độc hại của thuốc, sử dụng đồ dùng bảo hộ bắt buộc khi phun thuốc...

Dự báo trong thời gian tới bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại mạnh, nguy cơ gây cháy theo chòm ổ; tập trung trên những diện tích gieo cấy dày, bón phân không cân đối, khu vực tiền dịch và giống nhiễm như: Bắc thơm số 7, Séng cù... UBND huyện Ðiện Biên chỉ đạo chính quyền các xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại để phòng trừ kịp thời. Trong đó, tập trung phòng trừ sớm bệnh đạo ôn lá khi bệnh chớm xuất hiện thông qua các giải pháp kỹ thuật, như: Ngừng bón phân hóa học, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; không để ruộng khô hạn, giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm… Ðối với những chân ruộng bị bệnh đạo ôn lá nặng cần tiến hành phun thuốc kép, lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày. Sau khi phun từ 5 - 7 ngày kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh mới phun tiếp để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh, không để bệnh lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top