Người tốt - việc tốt

Cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi

08:45 - Thứ Tư, 01/04/2020 Lượt xem: 8385 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đã gọi điện hẹn trước, nhưng khi đến trụ sở UBND xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên tìm gặp anh Tòng Văn Toản, tôi vẫn phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ, bởi anh và ĐVTN của xã đang bận rộn chuẩn bị cho công tác phục vụ Đại hội Đảng của xã. Sau khi hoàn thành công việc, anh dẫn tôi về thăm mô hình kinh tế tổng hợp của mình. Theo học Đại học Luật nhưng những gì đã học lại không liên quan đến mô hình kinh tế mà anh Toản đã chọn.

Anh Tòng Văn Toản tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hoàng Linh

Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Toản chia sẻ: “Do gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, nên dù học luật nhưng tôi vẫn muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp. Trước đây, tốt nghiệp THPT xong, khi có chưa có điều kiện học tiếp nên tôi ở nhà giúp gia đình làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2006, được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, vịt và thầu hơn 1.000m2 ao nuôi cá thương phẩm và cá giống.  Năm 2016, tôi cùng một người bạn nhận thầu 1ha đất đồi để nuôi dê giống cung cấp cho các dự án trong và ngoài địa bàn huyện. Nhưng chỉ sau một lần dịch bệnh, đàn dê chết hết, bao vốn liếng của tôi đã bị mất”.

Sau lần thất bại đó, năm 2017 được sự động viên của gia đình, anh Toản tiếp tục nuôi 1.000 con vịt. Mặc dù có chút ít kinh nghiệm trong những lần chăn nuôi trước, nhưng anh vẫn gặp không ít khó khăn, như: Thiếu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh, thời tiết bất thường, thị trường đầu ra... Một lần nữa, khi đàn vịt của gia đình anh chuẩn bị xuất bán thì hàng trăm con vịt bị chết do bệnh tụ huyết trùng. Sau lần thất bại thứ hai, anh tích cực nghiên cứu tài liệu, theo dõi các chương trình hướng dẫn chăn nuôi trên truyền hình, học hỏi kinh nghiệm những người đã thành công với mô hình tương tự để bổ sung kiến thức cho bản thân. Dần dần mô hình chăn nuôi ngan, vịt của anh ổn định, luôn duy trì với số lượng khoảng 1.000 con/lứa. Anh thực hiện đúng các quy trình vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin theo đúng định kỳ nên đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ tốt trên thị trường.

Trong một lần xem chương trình khởi nghiệp trên kênh VTC16, anh thấy mô hình nuôi lươn không bùn cho giá trị kinh tế cao anh lại mày mò học hỏi kỹ thuật nuôi và mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng và tự tay xây bể nuôi lươn. Anh Toản chia sẻ: “Tôi thấy nhiều người đã thành công với mô hình nuôi lươn không bùn khá đơn giản, quan trọng nhất là phải đảm bảo được độ pH trong nước. Hơn nữa, vốn đầu tư không cao, tận dụng tối ưu diện tích; so với chăn nuôi gia cầm thì tốn ít công chăm sóc hơn, một ngày chỉ cần cho lươn ăn một lần... Ngoài  nuôi lươn, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau màu để tận dụng nước thay hàng ngày cho lươn”. Anh dự tính, nếu mô hình nuôi lươn thành công, mỗi vụ lươn anh sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, cùng với chăn nuôi gia cầm sẽ đem lại một khoản thu nhập khá.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Toản còn năng động trong công tác Đoàn. Trưởng thành từ phong trào đoàn ở cơ sở, năm 2017 anh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Thanh Nưa. Anh tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn xã đổi mới, sáng tạo phương thức hoạt động có hiệu quả, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay giúp công tác Đoàn xã ngày càng phát triển. Để thu hút ĐVTN tham gia vào tổ chức, ngoài các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, anh còn vận động ĐVTN tích cực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tham gia trồng và bảo vệ rừng. Đồng thời, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ĐVTN để cùng Ban Chấp hành Đoàn xã có giải pháp vận động họ gắn bó với tổ chức và tham gia các hoạt động của tuổi trẻ xây dựng quê hương.

Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top