Nguy cơ mất mùa vì hạn hán

07:54 - Thứ Sáu, 03/04/2020 Lượt xem: 9205 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện Mường Ảng gieo cấy trên 1.000ha, tập trung ở giống lúa thuần, như: Bắc thơm, tám thơm, IR64, nếp 98. Thời gian qua, nắng hạn kéo dài, nguồn nước sản xuất khan hiếm đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ; nguồn nước cạn kiệt, nông dân huyện Mường Ảng đứng trước nguy cơ mất mùa.

Phần lớn diện tích lúa của bản Pí, xã Xuân Lao bị khô hạn, nứt nẻ.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Theo kế hoạch sản xuất của huyện, nhân dân gieo cấy từ cuối tháng 12/2019 - 9/1/2020; đối với trà lúa muộn thực hiện từ 10 - 14/1. Hiện nay lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng, do nắng nóng kéo dài đã làm 87,82ha (chiếm trên 70% diện tích lúa) bị ảnh hưởng. Hệ thống kênh mương, thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo nhưng nguồn nước thiếu, các sông, suối cạn nên không đủ bơm nước dẫn về ruộng, nhất là đối với diện tích lúa trên cao. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với chính quyền các xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân bơm nước từ các ao, hồ để đảm bảo độ ẩm cho cho cây lúa. Tuy nhiên lúa trong tình trạng thiếu nước từ tháng 2 nên diện tích có thể khôi phục rất ít.

Ông Lò Văn Hiên, Bí thư Chi bộ bản Pí, xã Xuân Lao cho biết: Vụ đông xuân này bản Pí cấy trên 9ha nhưng có 2/3 diện tích bị hạn hán. Đầu tháng 3 có mưa nhưng cũng chỉ “giải khát” tức thời vì lượng mưa quá ít, mà nắng hạn thì đã lâu; nhiều chân ruộng vết nứt nẻ rộng 1 - 2cm, có chỗ rộng hơn. Để giải quyết tình thế, hàng ngày dân bản ra suối Huổi Tý gánh nước tưới; với khu ruộng gần ao, khe suối thì còn đỡ chứ ở xa thì rất khó khăn. Gia đình tôi cấy trên 1.000m2, lúa phát triển kém; gánh bao nhiêu nước đổ xuống cũng như không! Nhưng vẫn phải tưới cầm cự chờ trời mưa.

Không chỉ xã Xuân Lao mà hầu hết các chân ruộng khu vực cao tại các xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa… đều chung cảnh ngộ. Tại xã Mường Đăng nông dân cũng vất vả gánh nước cứu lúa. Ông Lò Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Đăng cho biết: Đồng ruộng bị hạn hán nên việc chăm sóc, bón thúc cho cây lúa hầu như không thể thực hiện được. Trong khi nguồn nước tự nhiên rất khó khăn, ngành Nông nghiệp huyện và chính quyền xã tuyên truyền người dân khai thác, tận dụng mọi nguồn nước từ ao hồ để chống hạn, giải nhiệt cho cây lúa; tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Bên ruộng lúa xác xơ, bà Cầm Thị Mấng, bản Ban, xã Mường Đăng xót xa nói: “Nhà tôi cấy hơn 2.000m2 nhưng có đến quá nửa bị vàng úa do thiếu nước; con suối chảy quanh bản Ban giờ cũng cạn, cả bản vẫn ra gạn nước về tưới lúa như tưới rau. Trận mưa vừa qua cũng chỉ giải nhiệt được vài hôm rồi lúa lại héo rũ.”

Không chỉ đối với diện tích lúa, các cây trồng khác như: Ngô, lạc, đậu tương, cà phê cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, kém phát triển khiến người dân đứng ngồi không yên khi bỏ bao công sức chăm bón với mong muốn một mùa vụ bội thu, no đủ. Trong sản xuất nông nghiệp nước là yếu tố sống còn, quyết định thành bại của mỗi mùa vụ, đặc biệt là đối với cây lúa. Hiện nay bà con mong mỏi chính quyền các cấp, ngành chức năng có giải pháp cứu cây lúa cho người dân.

Còn về lâu dài, được biết Dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang có thiết kế dung tích hơn 4,4 triệu mét khối nước, trong đó dung tích hữu ích 3,8 triệu mét khối hoàn thành sẽ bảo đảm cấp nước tưới ẩm chủ động cho 1.000ha cà phê, 400ha lúa 2 vụ và cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 hộ dân 3 xã: Ẳng Tở, Ẳng Cang, Ẳng Nưa và thị trấn Mường Ảng. Nếu công trình hoàn thành sớm sẽ chủ động hơn về nước tưới cho sản xuất mà không còn phụ thuộc nhiều vào “nước trời”.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top