Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

08:26 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 10270 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, với mục tiêu hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho gia đình ông Phạm Văn Chữ, đội 3, xã Pom Lót.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi cho biết: Các mô hình khuyến nông được đơn vị triển khai thực hiện nhằm mục đích giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về các giống cây trồng, vật nuôi mới; đồng thời giúp người dân tiếp cận với phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Bà con nắm vững kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; chế biến và bảo quản thức ăn khoa học, đảm bảo vệ sinh... Nhờ đó hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao.

Mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản thâm canh tại huyện Ðiện Biên” triển khai từ tháng 6/2019 với 15 hộ tại 5 thôn, đội xã Pom Lót tham gia. Với mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập cho các hộ chăn nuôi; là cơ sở tuyên truyền nhân rộng, phát triển chăn nuôi chuyên canh sản xuất hàng hóa và liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững. Ðiểm mới của mô hình so với các mô hình chăn nuôi đã thực hiện trước đó là nếu hộ chăn nuôi không có nhu cầu nuôi bê con có thể tự liên hệ bán hoặc phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi để tìm kiếm thị trường tiêu thụ tốt nhất trong thời gian triển khai cũng như sau khi kết thúc mô hình. Một điểm khác biệt nữa của mô hình là các hộ tham gia trình diễn là những hộ tiêu biểu trong chăn nuôi của địa phương và đối ứng 20% (mô hình hỗ trợ 80% chi phí giống).

Hộ ông Phạm Văn Chữ, đội 3, xã Pom Lót là 1 trong 15 hộ tham gia mô hình. Ông Chữ cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi từ rất lâu rồi, nhưng chỉ chú trọng vào số lượng mà chưa quan tâm đến phòng, chống bệnh dịch nên hiệu quả chưa tương xứng với quy mô chăn nuôi của gia đình. Trước đây, trong đàn bò luôn phải có 1 con đực để làm giống, qua nhiều năm giao phối cận huyết, giống bị thoái hóa làm cho chất lượng bê con kém. Tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, tôi chủ động giảm số lượng bò và chú trọng hơn đến vấn đề phòng, chống bệnh. Ðến nay, 4 con bò trong đàn đều là bò sinh sản và đã có 1 con bê sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, có thể trạng và tầm vóc vượt trội so với giống địa phương. Tôi vệ sinh chuồng trại hàng ngày và định kỳ 1 tuần phun khử trùng chuồng trại 1 lần. Hiện nay đàn bò phát triển tốt, đến tháng 6 tới, con bò được mô hình hỗ trợ sẽ đẻ con.”

Một mô hình hiệu quả khác là mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Ðược quy hoạch là vùng trồng thanh long nhưng xã Thanh Xương chưa trồng được với quy mô lớn, đặc biệt là thanh long ruột đỏ, chưa đảm bảo cung cấp cho thị trường. Trên cơ sở đó, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (nay là Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi) đã xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã. Với quy mô 1ha gồm 8 hộ ở đội 8 tham gia. Gia đình ông Nguyễn Thế Vịnh là một trong những hộ có diện tích nhiều nhất với 3.000m2. Ông Vịnh cho biết: Giống thanh long ruột đỏ được Trung tâm hỗ trợ là giống mới có mã quả đẹp, chất lượng thịt quả hơn hẳn giống cũ. Gia đình tôi trồng 300 trụ từ năm 2018, đến tháng 8/2019 thì cho quả bói, tuy mới là quả bói song chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao. Giá bán buôn tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; còn bán lẻ đạt 30.000 - 35.000 đồng/kg mà không đủ cung cấp ra thị trường.

Sau thời gian trình diễn, hiện nay xã Thanh Xương đã quy hoạch 5.000m2 trồng thanh long ruột đỏ; người dân trên địa bàn xã chủ động trồng thêm khoảng 8.000m2

Với nhiều mô hình khuyến nông được triển khai trong thời gian qua đã giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua các mô hình giúp nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả, nâng cao thu nhập; góp phần thay đổi nhận thức về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.

Theo ông Mai Văn Nam, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chú trọng xây dựng và triển khai hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top