Phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh

08:37 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 8608 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài cộng với gió Lào thổi mạnh khiến nhiều diện tích rừng trên địa bàn huyện Ðiện Biên có nguy cơ xảy ra cháy cao. Trước tình hình đó, Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.

Huyện Ðiện Biên có hơn 75,3 nghìn héc ta rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Theo thống kê, trong năm 2019 trên địa bàn huyện đã xảy ra 61 vụ cháy rừng, diện tích cháy 175ha, trong đó diện tích thiệt hại không có khả năng phục hồi 2,36ha và diện tích có khả năng phục hồi 172,64ha. Từ đầu năm đến hết tháng 3/2020, toàn huyện đã xảy ra 23 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị cháy 35,531ha; trong đó, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Các vụ cháy rừng chủ yếu trên địa bàn các xã: Núa Ngam, Thanh Chăn, Thanh Luông, Hua Thanh, Phu Luông...

Ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên cho biết: Ðể chủ động trong công tác PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách bảo vệ và PCCCR; huy động tối đa lực lượng, chỉ huy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương trong công tác PCCCR; đôn đốc các chủ rừng tổ chức tuần tra rừng. Ðồng thời, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện giai đoạn 2016 - 2020; kiện toàn 21 ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR cấp xã; tổ chức họp dân tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR ở 302 thôn, bản, với tổng số hơn 17.300 người tham gia ký cam kết bảo vệ rừng; thành lập 302 tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR với trên 2.800 thành viên.

Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên tăng cường theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm các điểm cháy rừng và có nguy cơ cháy rừng. Từ đó bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong thời kỳ cao điểm. Phối hợp với các chủ rừng thường xuyên tuần tra rừng để kịp thời phát hiện đối tượng sử dụng lửa trong rừng; huy động lực lượng chữa cháy và thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc các lực lượng chức năng khi có cháy rừng xảy ra.

Cũng theo ông Quyết, để công tác PCCCR hiệu quả hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, chủ rừng thì cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, lãnh đạo cấp xã về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Ðồng thời cần điều tra, xác định rõ các đối tượng gây ra cháy rừng để có biện pháp xử lý, răn đe bởi nhiều vụ cháy rừng không xác định được đối tượng gây cháy. Ðây là hạn chế của chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ, PCCCR. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia xử lý, chữa cháy rừng bởi các vụ cháy rừng chủ yếu diễn ra ở khu vực địa hình hiểm trở, núi cao vực sâu khó tiếp cận. Kiểm lâm địa bàn phối hợp chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát, đốt nương theo quy trình kỹ thuật; quy định giờ đốt nương, trước khi đốt phải thông báo cho trưởng thôn, bản… Một bất cập cần được xem xét, giải quyết hiện nay là chế độ cho lực lượng bảo lâm hợp đồng tại các xã quá thấp (200 nghìn đồng/tháng), số kinh phí này không đủ tiền xăng xe máy để thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa cao điểm PCCCR.

Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top