Thêm động lực để người dân “an cư lạc nghiệp”

08:39 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 8720 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là tiền đề, tạo bước đột phá quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Từ đó, góp phần giúp người dân “an cư lạc nghiệp” nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé kiểm tra nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 33 thời điểm cuối năm 2019.

Mường Nhé có hơn 6.000 hộ, khoảng 43.000 dân; trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 90% (Hà Nhì, Mông, Thái...). Ðể các chính sách dân tộc gắn liền với đời sống nhân dân, huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc. Ông Lò Văn Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé chia sẻ: Huyện Mường Nhé đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách dân tộc, như: Nghị quyết 30a, Ðề án 79; xây dựng nông thôn mới... Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt (xây dựng cơ sở hạ tầng với gần 300 công trình dự án; 51 công trình cấp nước sinh hoạt; 20 công trình thủy lợi, kênh nội đồng). Ðặc biệt, phát huy tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh hướng dẫn các xã triển khai thực hiện các chính sách dân tộc theo đúng quy định của Nhà nước; đề xuất với các cấp, ngành điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Năm qua, huyện đã giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 47 tỷ đồng; vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt gần 32 tỷ đồng.

Ðể đồng bào DTTS, nhất là người dân các bản vùng cao, biên giới có thêm tư liệu sản xuất, vực dậy nền kinh tế, thông qua các chương trình, dự án, huyện Mường Nhé đã hỗ trợ nông cụ sản xuất, dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản, mô hình trồng ngô lai... Triển khai Dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao; khảo sát, xây dựng phương án đầu tư 7 dự án thủy điện với tổng công suất dự kiến 43,5MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.606 tỷ đồng; tiếp tục mời gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án tại khu vực lối mở A Pa Chải. Do là huyện vùng cao, số người trong độ tuổi lao động lớn (trên 24.000 người), bởi vậy huyện Mường Nhé luôn xác định tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn là yếu tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở điều kiện sẵn có, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, huyện đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 471 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25,7%; tạo việc làm mới cho 973 lao động. Huyện cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS như: Quyết định 102; Quyết định 289; Quyết định 33... hỗ trợ trực tiếp, phát triển sản xuất; vốn, khoa học kỹ thuật giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống.

Trở lại bản Nậm Pố 3 (xã Mường Nhé) trên con đường bê tông mới hoàn thành cuối năm 2019, chúng tôi thấy ấm lòng bởi cuộc sống đã dần đủ đầy hơn với người dân nơi đây. Trong ngôi nhà gỗ khang trang, Trưởng bản Nậm Pố 3, Thào A Trù khoe với chúng tôi: Ơn Ðảng, Nhà nước, năm 2012 các hộ dân cư trú tại bản Nậm Pố 3 rất vui mừng khi được quy hoạch, bố trí sắp xếp theo Ðề án 79. Sau gần 9 năm về nơi ở mới, nhờ sự trợ giúp đắc lực của các chính sách dân tộc, Ðề án 79... mà chúng tôi được bố trí đất ở, đất sản xuất; xây dựng nhiều công trình thiết yếu: Kênh mương nội đồng (phục vụ gần 20ha lúa nước của bản); cấp trâu, bò, cây con giống; làm mới 2,5km đường bê tông nội bản... đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu năm 2012, toàn bản có 100% hộ nghèo thì tới nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 174/211 hộ (chiếm 82%); đặc biệt nhiều hộ chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả như hộ anh: Thào A Trầu, Cứ A Phồng...

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top