Xuất khẩu sắn phục hồi trở lại

10:13 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 8233 In bài viết

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 3-2020 ước đạt 335 nghìn tấn, tương đương với 113 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu ba tháng đầu năm 2020 ước đạt 772 nghìn tấn, tương ứng với 257 triệu USD; tăng 14% về khối lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xét về cơ cấu sản phẩm, trong ba tháng đầu năm 2020 xuất khẩu sắn lát ước đạt 263 nghìn tấn, tương đương 57 triệu USD, tăng 70% về lượng và 96% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tinh bột sắn ước đạt 509 nghìn tấn và 200 triệu USD, tương đương giảm 2% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung sắn lát khan hiếm do thời tiết nắng nóng kéo dài và yếu tố dịch bệnh trên cây sắn đã đẩy giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam tăng mạnh trong ba tháng đầu năm 2020 ở mức 217 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đang giảm nhẹ, đạt 393 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn trong ba tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2020, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, đạt 402,48 nghìn tấn, trị giá 130,09 triệu USD, tăng 10,6% về lượng, nhưng giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Malaysia cũng là một thị trường tăng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay, cụ thể xuất khẩu đạt 7,4 nghìn tấn, tương đương 3,2 triệu USD, tăng 48,5% về sản lượng và 49,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu sản phẩm sắn lát của Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại do nguồn cung trong nước khan hiếm, thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến sản lượng sắn tại Tây Nguyên không đạt như dự kiến. Bên cạnh đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Thái Lan có thể sẽ không đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 khi thời tiết xấu làm suy giảm sản xuất của đất nước này. Đối với tinh bột sắn, xuất khẩu qua kênh biên mậu trong tháng ba đã phục hồi khi lượng tinh bột sắn được thông quan tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tăng. Tuy nhiên, do phải tuân thủ các biện pháp cách ly phòng dịch bệnh nên tốc độ thông quan hàng hóa vẫn còn chậm.

Năng suất sắn của Thái Lan – nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong năm 2020 dự báo giảm 20% so với năm 2019. Mặt khác, khi các cửa khẩu giáp Trung Quốc đã thông quan trở lại, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu sản phẩm sắn của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thời gian tới khi Trung Quốc đang tăng cường sản xuất xăng Ethanol và tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi khi các công ty được khuyến khích xây dựng trang trại lợn ở nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi (ASF) và dịch Covid- 19 làm gián đoạn hoạt động hậu cần và cản trở sản xuất. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn qua kênh biên mậu có thể sẽ vẫn chậm do phía Trung Quốc ưu tiên nhập hàng hoa quả và thực phẩm thiết yếu khác.

Năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 2,46 triệu tấn, kim ngạch đạt 948 triệu USD, tăng 2,9% về lượng, nhưng giảm 0,2% về kim ngạch so với năm 2018. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn rời khỏi nhóm các mặt hàng tỷ USD do nhu cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc giảm.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top