Tái cơ cấu sản xuất để thích ứng với thiên tai, dịch bệnh

08:37 - Thứ Sáu, 10/04/2020 Lượt xem: 9445 In bài viết

ĐBP - Ngay trong những tháng đầu năm 2020, hạn hán xảy ra gay gắt; hệ lụy của dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa chấm dứt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta. Trước những khó khăn, thách thức đó, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải chuyển đổi sản xuất, tái cơ cấu để vừa thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển ổn định kinh tế địa phương.

Cán bộ Hội Nông dân xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dâu tây cho người dân bản Phô. Ảnh: Phạm Trung

Mùa khô năm 2019 - 2020, tình trạng hạn hán đến sớm hơn và ở mức độ gay gắt hơn so với mọi năm. Nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài khiến cho mực nước các sông, suối, hồ thủy lợi cạn kiệt; hàng trăm héc ta cây trồng rơi vào tình trạng thiếu nước, hạn hán. Dự báo tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian còn lại của mùa khô.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn năm 2020, sau khi kết thúc sản xuất vụ mùa năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền cấp huyện xây dựng phương án thích ứng, trong đó chú trọng công tác tái cơ cấu sản xuất. Cụ thể là khuyến cáo người dân không triển khai sản xuất vụ đông xuân tại những chân ruộng, khu vực thiếu nước sản xuất; hướng dẫn nông dân tái cơ cấu cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại và tối ưu hiệu quả sản xuất. Thực hiện nghiêm túc chủ trương này của ngành, ngay từ đầu vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, thống kê tổng diện tích không đủ nước sản xuất vụ đông xuân. Trên cơ sở đó, phối hợp với chính quyền cấp xã vận động người dân đăng ký tái cơ cấu cây trồng. Ðối với những diện tích không đủ nước sản xuất mà người dân vẫn cố tình canh tác, nếu bị thiệt hại do khô hạn thì chính quyền địa phương sẽ không áp dụng chính sách hỗ trợ thiệt hại.

Xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) có diện tích lúa đông xuân khá lớn nằm phía trên hệ thống kênh mương của công trình Thủy nông Nậm Rốm. Do đó vụ đông xuân hàng năm, xã Thanh Luông có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán. Vụ đông xuân năm nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, UBND xã Thanh Luông đã rà soát những diện tích không đủ nước trồng lúa và vận động người dân đăng ký chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Ông Lò Văn Lan, cán bộ khuyến nông xã Thanh Luông cho biết: Diện tích đất lúa trên kênh chiếm khoảng 50% tổng diện tích lúa đông xuân. Theo kết quả rà soát, toàn xã có 25ha không thể sản xuất lúa đông xuân và 100% diện tích này thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại rau màu khác như: Cà chua, dưa leo, ngô, khoai lang. Ðây là những loại cây trồng nhu cầu nước ít hơn. Năm nay, thị trường rau xanh ổn định nên những diện tích đã chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 2 - 3 lần. Hiệu quả nhất là những hộ dân trồng cà chua, bình quân 1.000m2 cà chua cho thu nhập 12 - 15 triệu đồng/vụ, cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa.

2 năm gần đây, Trung Thu là một trong những xã tiên phong trong phong trào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Tủa Chùa. Năm 2019, xã thành lập Hợp tác xã H’Mông chuyên sản xuất, thu mua nông sản của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đầu ra ổn định, UBND xã Trung Thu tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Ðến nay đã có 90 hộ dân các bản: Phô, Trung Vàng Khổ, Pu Ca Dao, Háng Cu Tâu, Nhè Sua Háng chuyển đổi 23,8ha nương lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: Su su, chanh leo, khoai sọ, bí. Hiện nay, khoảng 30% diện tích đã có thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

Anh Thào A Vừ, bản Phô, xã Trung Thu cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi 0,5ha lúa nương sang trồng su su. Năm 2019, gia đình tôi thu 7,5 tấn quả su su, thu nhập 21,5 triệu đồng, cao hơn 4 lần trồng lúa nương. Năm nay, tôi tiếp tục chuyển đổi và thử nghiệm thêm một số loại cây trồng mới như: Măng tây, dâu tây và chanh leo. Khởi đầu thuận lợi, dự kiến trong 1 - 2 năm tới, tôi sẽ chuyển đổi hết 100% diện tích lúa nương sang trồng các loại rau phù hợp”.

Năm 2018 - 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố, gây thiệt hại rất lớn đến ngành chăn nuôi. Ðến nay, dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn nhưng hệ lụy vẫn còn. Hiện nay, phần lớn các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn vì lo sợ môi trường chăn nuôi chưa đạt trạng thái an toàn. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm lợn giống dẫn đến giá lợn giống tăng cao khiến việc tái đàn khó khăn hơn. Sau dịch, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển từ nuôi lợn sang nuôi các loại vật nuôi khác. Chị Trương Thị Huyền, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Năm 2019, trang trại lợn có quy mô hơn 400 con của gia đình tôi bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Sau dịch bệnh, được Nhà nước hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng nhưng tôi nhận thấy đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tái đàn lợn. Do đó tôi đã chuyển sang mô hình chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô 1.500 con gà/lứa. Chuyển đổi mô hình chăn nuôi giúp gia đình ổn định sản xuất, tạo ra lợi nhuận”.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top