Doanh nghiệp gặp khó trong mùa dịch Covid-19

08:38 - Thứ Sáu, 10/04/2020 Lượt xem: 10300 In bài viết

ĐBP - Dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ðể duy trì hoạt động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, lực lượng lao động, tạm dừng hoạt động...

Siêu thị Hoa Ba đã giảm 50% lượng khách trong mùa dịch Covid-19.

Hiện nay toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp, hoạt động trên các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại - dịch vụ, bảo hiểm, điện lực, bưu chính viễn thông… với tổng số vốn đăng ký hơn 21.300 tỷ đồng. Trong đó có hơn 1.230 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97,32% tổng số doanh nghiệp cả tỉnh). Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm; thậm chí một số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Không sản xuất thì công nhân mất việc, còn tiếp tục duy trì thì doanh nghiệp phải “còng lưng” gánh thêm hàng loạt các chi phí phát sinh mà không có khoản lợi nhuận nào bù đắp. Ông Phạm Thế Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc và Nội thất Rubik Ðiện Biên cho biết: Công ty hoạt động trên 2 lĩnh vực thiết kế, xây dựng và đóng đồ nội thất. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Công ty, đặc biệt trong lĩnh vực khách hàng. Hoạt động kinh doanh của Công ty chủ yếu liên quan đến các công trình tư nhân. Trong đó có nhiều khách hàng dịch vụ, có kế hoạch đầu tư nội thất nhà hàng, nhà nghỉ, nhà ở. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã làm nhiều đơn hàng bị hủy, trong đó có những đơn hàng giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, thực hiện quy định của Chính phủ, Công ty cho nhân viên làm việc tại nhà. Ðiều này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp cận khách hàng, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng nhưng vẫn phải hoãn. Có công trình đã ký kết khởi công vào ngày 30/3, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên đối tác đã hoãn vô thời hạn kế hoạch khởi công công trình. Doanh thu của Công ty đã giảm 60% so với cùng kỳ năm trước, nếu dịch bệnh kéo dài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa. Hiện nay Công ty đã phải cắt giảm khoảng 25% lực lượng lao động trực tiếp.

Tương tự, đối với Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba, là đơn vị phân phối nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phép hoạt động trong thời điểm này, thế nhưng cũng bị ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Bà Hoàng Thị Ly, quản lý Siêu thị Hoa Ba cho biết: Dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Nếu như trước đây, trung bình một ngày doanh thu khoảng 300 triệu đồng thì hiện nay đã giảm 50%. Nguyên nhân do lượng khách hàng giảm nhiều so với trước đây. Song vì mục tiêu đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, siêu thị vẫn phải duy trì hoạt động, thậm chí tăng cường nhập các nguồn hàng để đảm bảo nhu cầu của nhân dân.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã có những giải pháp thiết thực. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 13/3/2020 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT- NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải chờ đợi, bởi hiện nay việc áp dụng tại các địa phương đang còn nhiều vướng mắc, như: Chưa thống nhất được cách thức giải ngân, các đối tượng giải ngân, cách thức chứng minh của doanh nghiệp có gặp khó khăn thực sự hay không… Ðược biết, ngày 16/4 tới đây, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng các hội doanh nghiệp trẻ cả nước sẽ có buổi gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để trao đổi, thống nhất kiến nghị về các chương trình ưu đãi lãi suất và các chương trình ưu đãi về thuế, giãn nợ cho các doanh nghiệp.

Trước mắt, cùng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn. Trong đó tăng cường tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng. Ðồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến, điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế so sánh của địa phương.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top