Mùa thu hoạch chanh leo ở Mường Ảng

Năng suất cao, hiệu quả kinh tế chưa như mong muốn

09:19 - Thứ Sáu, 10/04/2020 Lượt xem: 9844 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương của huyện Mường Ảng về việc chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, năm 2019, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng chanh leo với mong muốn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sau hơn một năm trồng, chăm sóc và thu hoạch, đến nay những hộ trồng chanh leo đã bỏ ý định mở rộng diện tích trồng loại cây này với lý do năng suất có, nhưng hiệu quả kinh tế thì chưa như mong muốn.

Diện tích chanh leo của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa dù năng suất cao, nhưng kém về giá trị kinh tế.

Người trồng chán

Xã Ẳng Nưa là một trong những địa bàn có diện tích trồng chanh leo lớn của huyện Mường Ảng. Những diện tích này phần lớn được người dân chuyển đổi từ vườn cà phê kém hiệu quả. Những tưởng, sau khi chuyển đổi cây trồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, thế nhưng hiện nay người trồng chanh leo lại thêm một lần phải thất vọng với quyết định của mình.

Ðầu năm 2019, anh Nguyễn Minh Cửu, bản Co Hắm chuyển đổi gần 2ha cà phê sang trồng chanh leo. Sau hơn một vụ chăm sóc, diện tích này cho thu hoạch khoảng gần 10 tấn quả. Dù năng suất cao nhưng gia đình anh Cửu rất buồn vì chanh leo không mang lại hiệu quả như mong muốn. “Từ lúc trồng chanh leo, kinh phí đầu tư chăm sóc gia đình bỏ ra khoảng gần 200 triệu đồng, nhưng tính đến thời điểm này mới thu về khoảng 100 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá cả đầu ra không ổn định. Thời điểm cao nhất cũng chỉ được hơn 20 nghìn đồng/kg, nhưng đối với loại quả chất lượng như thế không nhiều, bởi phía đơn vị thu mua đặt ra tiêu chuẩn rất cao. Còn những lúc thấp nhất giá chanh quả chỉ vài nghìn đồng/kg. Như vậy, trung bình mỗi ki lô gam chanh leo, sau khi bán cho đơn vị thu mua, gia đình thu về chưa được 10 nghìn đồng”.

Không chỉ gia đình anh Cửu, những hộ chuyển đổi từ diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng chanh leo từ năm 2019 tại xã Ẳng Nưa cũng chung cảnh ngộ. Ðiển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Tâm, bản Co Hắm có hơn 3.000m2 chanh leo. Do giá thấp, có bán cũng không thu về được bao nhiêu tiền nên có thời điểm anh gửi quả về quê biếu gia đình, người thân. Sau vụ đầu tiên, gia đình anh Tâm cũng không có ý định mở rộng diện tích.

Xã Ẳng Cang cũng là một trong những địa phương có diện tích chanh leo nhiều trong huyện. Tuy nhiên, vì giá cả không ổn định, nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây trồng này. Anh Nguyễn Văn Mười, hiện đang sinh sống tại thị trấn Mường Ảng nhưng có khoảng 2,5ha chanh leo trồng tại bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang cho biết: Nhờ chăm sóc tốt, vụ vừa qua gia đình tôi thu hoạch khoảng 14 - 15 tấn quả. Tuy nhiên, với giá bán trung bình 6 - 7 nghìn đồng/kg khiến gia đình tôi rất thất vọng.

Chính quyền... lo lắng

Không chỉ người trồng chanh leo cảm thấy buồn, đến chính quyền địa phương cũng lo lắng với cây trồng này. Ông Lù Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang chia sẻ: “Chanh leo giờ buồn lắm! Nó không được giá mấy. Một số vườn không duy trì được. Lúc đầu được giá, sau đó lại xuống. Một số hộ cũng đã phá bỏ diện tích chanh leo”.

Thực tế, không chỉ người trồng chanh leo ở xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Mường Ảng cũng đang “dở khóc dở cười” sau khi phá bỏ cà phê để chuyển đổi sang trồng chanh leo. Thậm chí có những hộ phải tự tìm thị trường hoặc mang sản phẩm của gia đình đi bán cho người dân khắp làng trên bản dưới với giá rất thấp.

Mang những tâm tư, nỗi niềm của người trồng chanh leo trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, chúng tôi được ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng cho biết: Toàn huyện có 30ha chanh leo, tập trung chủ yếu ở xã Ẳng Cang và Ẳng Nưa, trong đó 7ha do người dân trồng tự phát từ trước, diện tích còn lại là trồng theo dự án dưới hình thức liên kết chuỗi giá trị. Với những hộ trồng theo dự án, ngoài việc được hỗ trợ giống, người dân còn được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, giá trị sản phẩm thì phụ thuộc theo thị trường.

Ðành rằng giá cả lên xuống, cao thấp theo thị trường, song khi được hỏi liệu trồng chanh leo như một số hộ dân ở Mường Ảng có hiệu quả kinh tế hay không. Ông Kiều Xuân Hoàng cho rằng: Năng suất thì cao nhưng giá trị kinh tế chưa như mong muốn. Tuy nhiên, so với diện tích cà phê già cỗi thì vẫn hiệu quả hơn.

Ông Kiều Xuân Hoàng cho rằng, trồng chanh leo sẽ hiệu quả hơn diện tích cà phê già cỗi, thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì chưa phải vậy. Năm 2020, dự kiến huyện Mường Ảng sẽ chuyển đổi khoảng 40ha đất trồng cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Song theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện nay, cả huyện không có hộ nào đăng ký trồng chanh leo. Phải chăng, hiệu quả của cây chanh leo như đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã khẳng định đang đi ngược lại với thực tế ở cơ sở?

Bằng những chia sẻ từ tâm can của người trồng chanh leo, cũng như câu trả lời của đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, chúng tôi cũng thấy băn khoăn, vì liệu rằng chính quyền địa phương và các phòng chức năng liên quan đã thực sự đồng hành cùng người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa? Hay một lần nữa lại để người nông dân “chân lấm, tay bùn” rơi vào luẩn quẩn của điệp khúc “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa” như nỗi niềm người trồng cà phê ở huyện mấy năm gần đây.

Ðiều này cũng đồng nghĩa việc, tới đây, với 40ha mà huyện dự kiến chuyển đổi từ trồng cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang cây trồng khác, các cơ quan chức năng huyện cần tính toán phương án kỹ lưỡng hơn. Trồng cây gì để vừa năng suất, vừa hiệu quả, có như thế mới nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top