Doanh nghiệp chờ tiếp sức

15:03 - Thứ Sáu, 10/04/2020 Lượt xem: 8053 In bài viết

Hơn 30.000 doanh nghiệp (DN) rời bỏ thị trường - tính đến hết quý 1-2020. Những DN còn hoạt động cũng đang chật vật cải thiện bất lợi trong kinh doanh. Vậy giải pháp nào để giúp DN có thể trụ vững trong bối cảnh dịch Covid-19 có khả năng kéo dài? 

Chế tạo cơ khí tại Công ty cổ phần Cơ khí và xây lắp công nghiệp Imeco. Ảnh: CAO THĂNG

Nỗ lực duy trì sản xuất

Phân tích về những khó khăn DN gặp phải, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cho biết chưa bao giờ DN trong nước gặp phải những tình huống khó khăn như hiện nay. Thời điểm từ tháng 1 đến tháng 2, DN khó khăn do có nguy cơ đứt nguồn nguyên liệu sản xuất. Rất nhiều DN đã phải liên kết cùng tìm kiếm và chia sẻ nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác với giá thành cao hơn. Cho đến nửa đầu tháng 3, khi nguồn nguyên liệu sản xuất cơ bản đủ để duy trì sản xuất ở một số ngành, thì nhiều nước lại tạm ngưng nhập khẩu hàng Việt. 

Thống kê quý 1-2020 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tập trung chủ yếu ở mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 12,4 tỷ USD, điện tử máy tính và linh kiện 8,2 tỷ USD, dệt may 6,6 tỷ USD, thiết bị máy móc phụ tùng 4,7 tỷ USD. Còn lại, các mặt hàng giày dép, gỗ, thủy hải sản… có mức đạt 1,6 tỷ - 4,7 tỷ USD…

Tuy nhiên, nhiều DN đang lo lắng kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ tụt giảm trong quý 2. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, không chỉ các đối tác nhập khẩu yêu cầu ngưng triển khai đơn hàng mới hoặc đã triển khai xong thì tạm ngưng xuất khẩu mà hiện nhiều nước, trong đó đặc biệt là châu Âu, đã thực hiện đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất lại tái xuất hiện khi nhiều nước thực hiện tạm dừng hoạt động sản xuất, hạn chế người dân ra khỏi nhà, trong đó có Ấn Độ. Số ít nước vẫn đang duy trì sản xuất thì đã đẩy giá nguyên liệu tăng mạnh nên nhiều DN Việt Nam không kham nổi. Hiện đã có nhiều DN tạm ngưng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động nhưng cũng khó kéo dài đến hết tháng 6. 

Tại thị trường trong nước, ngay như những DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo vốn có số lượng đơn hàng tăng vọt trong những tháng qua cũng tỏ ra thận trọng khi đánh giá mức độ khả quan của thị trường sắp tới. Việc các hãng xe máy chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Honda đưa ra thông báo tạm ngưng hoạt động sản xuất 3 nhà máy tại Việt Nam từ ngày 1-4 đến ngày 15-4 để phòng chống dịch Covid-19 là ví dụ. Trước đó, hãng ô tô Toyota đã cho tạm ngưng hoạt động nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng với lý do trên, đã phần nào khiến nhiều DN lo lắng. Hiện có 38,8% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 25,9% DN dự báo khó khăn hơn và 35,3% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 

Nguy cơ bị thâu tóm

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình trạng cạn vốn, suy kiệt sản xuất còn đẩy DN Việt đến nguy cơ bị DN ngoại thâu tóm, nhất là những DN vốn đã có thương hiệu lâu đời, uy tín và thị phần ổn định. Tính từ đầu năm đến nay đã có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD. 

Ông Trần Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Sunlight, cho biết để tránh cho DN trong nước trước nguy cơ đóng cửa hoặc phải “bán mình” ngay thời điểm xảy ra dịch bệnh, những gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã được đề ra rất kịp thời. Đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế, phí… lên tới 280.000 tỷ đồng. Thế nhưng, sự chậm trễ trong hướng dẫn thực thi cho cơ quan cấp dưới khiến việc triển khai đang bị tắt nghẽn, chưa đến được tay DN. Đại diện Công ty cổ phần Điện Quang cũng khẳng định, ngoài những giải pháp hỗ trợ từ các ngân hàng, cho đến nay công ty chưa nhận được hướng dẫn nào về giảm, miễn, giãn thuế, phí các loại… từ cơ quan chức năng. 

Các chính sách hỗ trợ như miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay, bổ sung thêm vốn vay lưu động cho các DN... cần triển khai cấp thiết. Nội lực của DN Việt mỏng, nay lại càng mỏng hơn khi tình hình dịch bệnh kéo dài. Một khi nguồn lực dự phòng cạn kiệt thì dù gói hỗ trợ có đến tay cũng khó có thể phục hồi DN trong ngắn hạn. 

Theo nhiều DN, quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần có chính sách hậu kiểm để các gói hỗ trợ phải đến được đúng đối tượng cần. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nhấn mạnh việc triển khai nhanh gói giải pháp hỗ trợ sẽ là cơ sở để DN bổ sung nguồn vốn nhằm tăng khả năng dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần duy trì ổn định sản xuất dài hơi, ít nhất là đến hết năm 2020.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top