Không để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

15:03 - Thứ Hai, 13/04/2020 Lượt xem: 7103 In bài viết

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt chính sách điều hành để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, tạo dư địa hạ lãi suất cho vay.

Thế nhưng, trong lúc hầu hết ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, thì có một số ngân hàng lại "đi ngược dòng" tìm cách tăng lãi suất huy động dưới hình thức trực tuyến. 

Sau các quyết định điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện giảm xuống mức 4,75%/năm. Song dưới hình thức huy động tiết kiệm trực tuyến, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng là 8,21%/năm. Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) áp dụng lãi suất 8%/năm. Các ngân hàng khác cũng đẩy lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức khá cao như: Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) 7%/năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) 7,1%/năm…

Với mức lãi suất huy động cao như vậy, dư địa để giảm lãi suất cho vay là rất ít, khó có thể hỗ trợ được người dân và doanh nghiệp. Thực tế, việc đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ còn phụ thuộc vào sự chia sẻ và khả năng tài chính của mỗi ngân hàng thương mại, mà chưa có sự ràng buộc về pháp lý. Việc một số ngân hàng nhỏ chưa tham gia "làn sóng" giảm lãi suất là minh chứng.

Nền kinh tế đang phải trải qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu việc, đứt nguồn cung nguyên liệu hay đầu ra sản phẩm; cùng với đó là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Giảm lãi suất khi vay vốn là chính sách cần thiết và ý nghĩa sâu sắc trong việc giúp doanh nghiệp vượt khó lúc này. Để chủ trương nhân văn ấy được thực thi nhất quán, phát huy hiệu quả trong thực tế, rất cần có cơ chế giám sát cụ thể nhằm chấm dứt việc ngân hàng thương mại tự quyết, tự thỏa thuận với khách hàng, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top