“Lúa lẫn” nguy cơ làm giảm năng suất, chất lượng gạo

10:18 - Thứ Ba, 14/04/2020 Lượt xem: 8835 In bài viết

ĐBP - Vụ Đông Xuân năm 2020 huyện Điện Biên gieo cấy trên 4.000ha. Theo phản ánh của nhiều người dân các xã khu vực lòng chảo (Thanh Yên, Thanh Chăn…) huyện Điện Biên, mấy năm trở lại đây trên cánh đồng của khu vực các xã này xuất hiện nhiều “lúa lẫn” làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo và làm giảm năng suất lúa. Mặc dù người dân đã cắt bỏ, nhổ tận rễ… nhưng vụ sau “lúa lẫn” vẫn mọc lại.

Nông dân xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) thực hiện cắt bỏ “lúa lẫn” trên đồng ruộng.

Loại lúa này chỉ cần đủ nước là sinh trưởng, phát triển mạnh hơn lúa chính; có đặc điểm hạt lép hơn, năng suất thấp, chín và rụng trước các loại lúa bình thường. Nhiều người dân nghi ngờ do giống lúa gieo trồng không tốt đã đổi sang giống lúa mới, tuy nhiên hiện tượng “lúa lẫn” vẫn xảy ra.

Chị Đỗ Thị Thương, người dân đội 4 xã Thanh Yên cho biết: “Lúa lẫn” ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất mùa vụ. Trước đây, bình quân năng suất đạt từ 60 - 65 tạ/1ha thì nay chỉ còn 50 - 55 tạ/1ha. Năm ngoái nhà tôi cấy 8.500m2 lúa được hơn 5,5 tấn thóc, nhưng vụ này “lúa lẫn” xuất hiện quá nhiều (gấp đôi vụ trước); hơn tuần nay bất kể ngày nắng hay ngày mưa, hai vợ chồng đều đi cắt mà vẫn chưa hết. Năng suất năm nay chắc chắn sẽ giảm hơn so với năm trước, gia đình tôi rất lo lắng.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Để khắc phục tình trạng “lúa lẫn”, trong 3 năm trở lại đây Phòng đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng máy cấy không nên gieo sạ để tránh “lúa lẫn” mọc và phát triển. Thực hiện hỗ trợ người dân 30% số tiền mua máy cấy, hiện nay toàn huyện người dân đã mua được trên 70 máy. Trong vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện đã có trên 100ha người dân thực hiện cấy bằng máy nên có rất ít “lúa lẫn”. Diện tích có “lúa lẫn” chủ yếu tập trung vào diện tích người dân gieo sạ. Biện pháp trước mắt để loại bỏ “lúa lẫn” là bà con vẫn phải khử tạp thủ công bằng cách cắt bỏ “lúa lẫn” để tránh ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top