Ðồng hành cùng doanh nghiệp vượt đại dịch

Bài 2: Chung tay cùng doanh nghiệp

08:59 - Thứ Tư, 15/04/2020 Lượt xem: 8676 In bài viết

ĐBP - Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là giải pháp “hà hơi tiếp sức” để các doanh nghiệp vượt sóng gió đại dịch. Tuy nhiên đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong tỉnh khá sốt ruột đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tiếp cận ra sao, cơ chế hỗ trợ như thế nào... Vì vậy, việc sớm thực thi các chính sách đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó cũng sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy, kích thích tăng trưởng nền kinh tế.

Bài 1: Doanh nghiệp “lao đao” vì Covid-19

Người lao động tại Nhà máy Xi măng Ðiện Biên (Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên) vệ sinh nơi làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho hay, các doanh nghiệp trong tỉnh đa phần quy mô vừa và nhỏ; hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Song trước đại dịch Covid-19 như hiện nay thì bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nặng nề nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải hành khách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng chịu ảnh hưởng lớn; khả năng cầm cự không thể dài hơi. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là “đầu ra” cho hàng hóa vì nhu cầu thị trường giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm; xuất khẩu tạm dừng. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thịnh cần nhất lúc này là gói cứu trợ về... cơ chế của Chính phủ, của tỉnh cho doanh nghiệp.

Thời điểm khó khăn, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; trong đó quan trọng là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng liên tiếp ban hành ra những chính sách nhằm chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn vượt qua cơn bão khủng hoảng vì dịch bệnh; song trên thực tế khâu thực thi thực sự chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp muốn được giãn nợ thì phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho... mới được xem xét.

Trước những khó khăn, tổn thất nặng nề trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngày 3/4 vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ông Bùi Anh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đúng mùa cao điểm Ðiện Biên đón khách du lịch quốc tế và mùa lễ hội nên tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói riêng. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa giảm mạnh do khách hủy dịch vụ và tâm lý e ngại đi du lịch. Qua thống kê cho thấy, do khách đồng loạt hủy dịch vụ nên lượng khách du lịch và doanh thu giảm mạnh. Nhất là trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, lượng khách du lịch giảm khoảng 85 - 90% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo tình hình trên nhiều khả năng tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020. Trước những khó khăn đó, Hiệp hội đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có chính sách hỗ trợ, giúp các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động như: Xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp du lịch; giảm thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch; cho phép các đơn vị, doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuế đất và thuê đất; giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch. Ðề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét cho phép các đơn vị, doanh nghiệp du lịch chậm nộp bảo hiểm; kịp thời chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do Covid-19...

Là một trong những ngân hàng thương mại trên địa bàn tiên phong trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Ðiện Biên (VietinBank) đã và đang nỗ lực rà soát, phân loại đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do dịch bệnh. Ông Lã Văn Vinh, Giám đốc VietinBank Ðiện Biên cho biết: Quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kịp thời cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, Chi nhánh VietinBank Ðiện Biên đã rà soát dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp trên 200 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: Xăng dầu, dịch vụ du lịch; nhà hàng, khách sạn... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tinh thần tích cực chung tay hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn do dịch bệnh, Chi nhánh VietinBank Ðiện Biên đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại. Tùy theo mức dư nợ cụ thể để đưa ra biện pháp hỗ trợ sát hợp nhất. Dù khách hàng đang chịu thiệt hại sẽ tác động không nhỏ tới mục tiêu kinh doanh năm nay, nhưng Ngân hàng cam kết sẽ nhanh chóng triển khai kịp thời những chính sách hỗ trợ theo đúng hướng dẫn của cấp trên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay, đã, đang và sẽ tiếp tục tác động, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn khi nào hết ngay lúc này doanh nghiệp rất mong sớm nhận được hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền, các sở, ngành, cơ quan liên quan để khắc phục, giải quyết những khó khăn nhằm duy trì, khôi phục hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top