Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo vùng trọng điểm

09:28 - Thứ Sáu, 17/04/2020 Lượt xem: 9927 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi nương, ruộng một vụ và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao đang là hướng đi mới, kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, gia đình bà Bùi Thị Tấn, bản Ðông Biên 1, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) chuyển đổi 4.000m2 đất trồng lúa bị khô hạn, năng suất kém sang trồng khoai lang. Sau 2 năm, cây khoai lang phù hợp với chất đất và không tốn nhiều chi phí, giá bán trung bình 11.000 - 12.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Trong ảnh: Gia đình bà Tấn thu hoạch khoai lang.   Ảnh: Nguyễn Hiền

Những mô hình mới

Trước đây, người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) chủ yếu trồng ngô, sắn trên diện tích đất nương. Do nương có độ dốc cao, nhanh bạc màu nên năng suất, sản lượng thấp, thu nhập không ổn định. Năm 2017, xã Quài Cang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên nương, những nơi đất trống, đồi trọc sang trồng cây mắc ca. Với mỗi héc ta đất góp người dân được Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên trả 1 triệu đồng/năm trong 5 năm. Người dân góp đất được ưu tiên tuyển dụng làm công nhân hoặc thuê theo thời vụ làm cỏ, bón phân, bảo vệ. Khi thu hoạch mắc ca, người dân góp đất được hưởng 15% lợi nhuận sản phẩm. Ðến nay, toàn xã trồng hơn 800ha mắc ca, tập trung tại các bản: Phủ, Phung, Kệt, Sái, Cá... Ngoài xã Quài Cang, đến nay toàn huyện Tuần Giáo đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây hàng năm kém hiệu quả, đất trống đồi trọc để trồng 1.400ha cây mắc ca, 250ha cây ăn quả các loại.

Còn trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thời gian qua người dân đã mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp đầu tư trồng rau màu, cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Do các chân ruộng cao nên nhiều năm liền, công trình thủy lợi bản Bó, thị trấn Tủa Chùa không thể cấp đủ nước nên năng suất, sản lượng lúa thấp. Từ năm 2017, 19 hộ dân ở bản Bó đăng ký chuyển đổi hơn 5ha đất lúa sang trồng các loại cây rau màu trong nhà lưới. Sản phẩm cung cấp cho các trường bán trú và thị trường trên địa bàn huyện. Mô hình này mang lại cho người dân mức thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm; cao gấp 4 lần trồng lúa trên cùng diện tích. Từ thành công của mô hình trồng rau trong nhà lưới, năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình trồng 30ha cây ăn quả (chanh leo, xoài Thái) tại các xã: Mường Báng, Tủa Thàng.

Cần tạo chuỗi liên kết sản xuất

Từ năm 2017, tỉnh đã xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 2.461ha.

Ðánh giá hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh đã chú trọng chuyển đổi theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng. Như: Khu vực lòng chảo huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, rau an toàn; các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung phát triển mắc ca, cà phê, cây ăn quả, rừng sản xuất, sơn tra. Huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà trồng rừng phòng hộ, mắc ca, cây dược liệu... Với cách làm này, trong năm qua, người dân đã chuyển đổi 635,99ha đất nương, đất trồng lúa một vụ và đất trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác (tăng 79,71ha so với năm 2018). Trong đó, có hơn 353ha đất được chuyển sang trồng cây ăn quả; 215ha chuyển sang trồng cây làm thức ăn cho gia súc; 66,54ha chuyển sang trồng dong riềng, cây dược liệu. Các giống cây trồng hỗ trợ chuyển đổi đều có nguồn gốc rõ ràng, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao.

Tuy bước đầu đã đạt những kết quả tích cực, song hiện nay diện tích chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung dẫn đến khó khăn trong quản lý sản xuất, chưa phát huy được tiềm năng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó sản phẩm chưa chủ động được thị trường tiêu thụ trong khi tỉnh ta ít cơ sở thu mua, chế biến. Với mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên diện tích 711,5ha trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh cần có kế hoạch chuyển đổi cụ thể; nghiên cứu, đánh giá về năng lực đầu tư, thị trường tiêu thụ. Ðồng thời, có giải pháp kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi liên kết sản xuất. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top