Tuần Giáo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

09:15 - Thứ Hai, 20/04/2020 Lượt xem: 8933 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, huyện Tuần Giáo tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chú trọng đưa những giống mới năng suất, sản lượng cao vào sản xuất thay thế giống cũ. Cơ cấu cây trồng phù hợp với tính chất, điều kiện của từng vùng sinh thái đã góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, hình thành những vùng chuyên canh trên địa bàn huyện.

Nông dân xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo làm cỏ, chăm sóc lúa.

Xác định trồng trọt là lĩnh vực chủ lực với nhóm cây trồng lợi thế (ngô, lúa) và nhóm cây trồng khác (cao su, lạc, sắn, thảo quả, sơn tra, sa nhân, các loại đậu), huyện Tuần Giáo tập trung tái cơ cấu cây trồng theo hướng gắn với năng suất, tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng linh hoạt diện tích canh tác, cơ cấu diện tích gieo trồng hợp lý, ổn định sản lượng lương thực với mục tiêu đạt 37.000 tấn vào năm 2020. Cùng với đó là quy hoạch, đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm từng vùng; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu chọn giống, biện pháp canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Cụ thể với cây ngô, huyện Tuần Giáo quy hoạch vùng trọng điểm tại 4 xã: Pú Nhung, Rạng Ðông, Ta Ma và Phình Sáng. Tại 4 xã này, nông dân đã thay thế giống ngô cũ năng suất thấp bằng giống mới chịu hạn, chịu sâu bệnh, năng suất cao như: LK, CP888, LK54... Ðến nay, xã Pú Nhung phát triển được 990ha, xã Phình Sáng 995ha, xã Rạng Ðông 1.020ha và xã Ta Ma 700ha. Ngoài cây ngô, thực hiện tái cơ cấu đối với lúa, huyện Tuần Giáo lựa chọn thay thế những giống lúa cũ bằng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh và xây dựng vùng sản xuất tập trung ở các xã trọng điểm: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh, Chiềng Ðông, Mùn Chung, Mường Mùn với tổng diện tích 1.055ha lúa đông xuân và 1.750ha lúa mùa hàng năm.

Ðược đánh giá là xã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu cây trồng, nhiều năm qua, Pú Nhung trở thành vùng trọng điểm về cây ngô của huyện. Ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Khai thác lợi thế của địa phương, Pú Nhung đã và đang phát huy vùng quy hoạch trọng điểm phát triển ngô. Người dân ở 8 bản của xã đã tận dụng mọi diện tích để gieo trồng, sản xuất ngô hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với nhiều giải pháp đẩy mạnh thâm canh cây ngô trên đất dốc, năng suất ngô ở Pú Nhung đạt trung bình trên 28 tạ/ha. Với giá bán trên thị trường khoảng 4.000 đồng/kg ngô thương phẩm, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ cây ngô. Sản xuất ngô tập trung đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 41% (giảm 6% so với năm trước).

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Triển khai Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tái cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng. UBND huyện Tuần Giáo đã tập trung thực hiện một số dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nông - lâm nghiệp. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hình thức đầu tư kết hợp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm của huyện phát huy tối đa lợi thế để mang lại giá trị cao cho người sản xuất. Kết quả, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực không ngừng tăng lên, đáp ứng nhu cầu tại địa phương và xuất bán ra thị trường ngoài huyện, nâng cao thu nhập của người dân.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top