Cơ hội phát triển thương hiệu Việt Nam

14:49 - Thứ Hai, 20/04/2020 Lượt xem: 8239 In bài viết

Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam với biểu trưng Vietnam Value (giá trị Việt Nam) được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 20-4 hằng năm được chọn là "Ngày thương hiệu Việt Nam" nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm nay, "Ngày thương hiệu Việt Nam" diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp, đây lại là cơ hội hiếm có để từng bước khẳng định thương hiệu trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Có thể kể đến các ứng dụng dạy học từ xa như VNPT E-Learning, hiện đã được cung cấp cho gần 12 nghìn trường học trên toàn quốc với hơn 400 nghìn tài khoản giáo viên, hơn năm triệu tài khoản học sinh và khoảng 314 nghìn bài giảng khác nhau. Hay trong "gói cứu trợ VRW" do Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, hàng nghìn DN cũng đang được hỗ trợ sử dụng miễn phí hoặc giảm giá hơn 200 ứng dụng số, giúp hoạt động của DN thích ứng tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nhiều DN ở các ngành khác cũng tìm thấy cơ hội mới trong cơn "bão dịch". Như với dệt may, dù đang chịu "tác động kép" từ dịch bệnh (vừa thiếu cung, vừa thiếu cầu), nhưng không ít đơn vị đã tìm được cơ hội khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước như Vinatex, TNG với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn; Mollis với sản phẩm khăn kháng khuẩn... Không những vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may còn chớp cơ hội xuất khẩu mặt hàng khẩu trang ra khắp thế giới, trong đó có những thị trường quan trọng như Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). Hay với ngành hóa chất, các sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn với thương hiệu On1, Vip Care, Vip Safe… được người dân tin dùng. Hoặc như DN sản xuất phân bón trong nước, do tác động của dịch Covid-19, khiến nguồn cung nhập khẩu giảm, đây lại là cơ hội đẩy mạnh sản xuất, chiếm lĩnh lại thị trường trong nước.

Từ trước đến nay, thương hiệu hàng Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập, thường lép vế trước các thương hiệu nước ngoài ngay trên chính thị trường nội địa. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu như hiện nay, DN Việt Nam có thể củng cố lại vị thế trên "sân nhà" khi thị trường nội địa có thể dần khan hiếm các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ hội giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người dùng là chưa đủ, quan trọng hơn, các DN cần chú trọng tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ hơn nữa để người dùng ngày càng thêm tin tưởng vào các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Ðiều này rất quan trọng bởi nó quyết định chỗ đứng của DN trên thị trường và đôi khi còn quyết định đến vấn đề thành công hay thất bại của một thương hiệu, một DN.

Để xây dựng một thương hiệu có giá trị và bền vững, mấu chốt là chất lượng sản phẩm phải tốt, đó là cơ sở cơ bản nhất để xác lập niềm tin của người tiêu dùng. Ðồng thời, DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, cải thiện chất lượng dịch vụ tại tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ, tiếp tục nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Và khi thương hiệu tại thị trường trong nước được khẳng định, sẽ là nền móng vững chắc giúp DN đứng vững trước những khó khăn, tạo sức bật tiếp tục vươn ra thế giới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top