Ðiện Biên Ðông phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân

08:57 - Thứ Tư, 22/04/2020 Lượt xem: 8868 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh trên cây lúa phát triển, ảnh hưởng đến năng suất sản lượng lúa vụ đông xuân năm 2020.

Cán bộ khuyến nông huyện Ðiện Biên Ðông hướng dẫn người dân bản Xa Dung B, xã Xa Dung nhận biết dấu hiệu sinh vật hại lúa.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Ðiện Biên Ðông gieo cấy hơn 736ha (tăng 11,3ha so với cùng kỳ năm trước); chủ yếu là các giống: Bắc thơm số 7, IR64, nếp 97, nếp tan… Từ đầu vụ đến nay, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, tại một số diện tích lúa xuất hiện rải rác sâu bệnh hại, như: Ốc bươu vàng gây hại trên trà chính và trà muộn, diện tích nhiễm khoảng 14ha; tuyến trùng rễ xuất hiện và gây hại khoảng 6ha; bệnh nghẹt rễ gây hại tỷ lệ trung bình 1 - 4%; sâu keo mùa thu xuất hiện với mật độ phổ biến khoảng 0,6 con/m2 và các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như bọ trĩ, ruồi đục lá, đạo ôn… trên địa bàn các xã: Mường Luân, Luân Giói, Keo Lôm, Pú Nhi, Phình Giàng.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Hiện nay các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng xuất hiện và gây hại với mật độ, tỷ lệ thấp, dự báo không có nguy cơ làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Tuy nhiên, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh hại lúa gây ra, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền các xã, thị trấn trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phát hiện, phòng trừ, khống chế dịch hại không để lây lan; hướng dẫn người dân bón phân, chăm sóc cho cây lúa sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, việc duy trì mực nước ổn định phủ bề mặt ruộng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sâu bệnh hại. Vì vậy tại những địa bàn thiếu nước, phòng đã phối hợp với chính quyền xã vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý bằng biện pháp lấy nước luân phiên; nạo vét, khơi thông dòng chảy đối với các công trình thủy lợi.

Tùy từng đối tượng gây hại, cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân cách phòng trừ khác nhau. Với bệnh nghẹt rễ lúa, xuất hiện và gây hại tỷ lệ trung bình từ 1 - 4% tại các xã: Pú Nhi, Keo Lôm, thị trấn Ðiện Biên Ðông. Khi bệnh mới phát sinh ngọn lá úa vàng, đầu lá khô đỏ, trên lá thường xuất hiện những vết đốm màu nâu, biểu hiện trên lá già trước. Bệnh nặng, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh kém, bộ rễ thối đen, lúa sẽ bị chết từng chòm, có khi chết cả ruộng. Vì vậy, trước khi gieo cấy, người dân cần làm đất kỹ, bón lót vôi bột khi cày ải, bón lót đầy đủ phân chuồng, phân lân khi bừa cấy nhằm giảm độ chua trong đất. Khi phát hiện lúa bị bệnh nghẹt rễ thì bà con khẩn trương cho thêm nước vào ruộng, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa.

Ðối với sâu keo mùa thu, xuất hiện từ khoảng cuối tháng 2 với mật độ phổ biến khoảng 0,6 con/m2, nơi cao 5 con/m2, chủ yếu ở xã Keo Lôm, Phình Giàng. Theo ông Hoàng Công Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông thì ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với UBND các xã và những hộ có diện tích lúa bị nhiễm bệnh tiến hành các biện pháp phun phòng trừ. Ðến nay, cơ bản những diện tích xuất hiện sâu keo mùa thu đã được khống chế, tỷ lệ sâu keo mùa thu chết trên 95%. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân khi phun thuốc phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun không nên phối trộn nhiều loại thuốc, nên phun vào chiều tối. Sau khi phun 7 - 10 ngày phải tiến hành kiểm tra lại, hoặc nếu sau khi phun gặp mưa tiến hành phun lại lần 2 để hạn chế sinh vật tái nhiễm gây hại.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, dự báo khả năng sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên cây lúa, vì vậy ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung đưa ra các dự báo, biện pháp, giải pháp xử lý khi tình huống khi xảy ra. Người dân không được chủ quan, cần tích cực thăm đồng, phát hiện, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top