Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết

10:30 - Thứ Hai, 27/04/2020 Lượt xem: 8979 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh bám sát kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, đã hình thành và phát triển một số hình thức liên kết sản xuất như: Liên kết giữa người dân với người dân qua mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; giữa người dân, HTX với các doanh nghiệp… để sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế của từng địa phương phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.

Người dân bản Pô Ca Dao, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) chăm sóc chanh leo - mô hình phát triển theo hướng liên kết hàng hóa.

Ðể khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp như: Quyết định số 04/2017/QÐ-UBND về Chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND về Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn…

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðến hết năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và cấp giấy chứng nhận thêm 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh lên 19 chuỗi. Triển khai trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên diện tích 189ha; tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích khoảng 23ha trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Ðã thu hút 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp, gồm 1 dự án trồng cây mắc ca; 1 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; 1 dự án trồng rừng sản xuất và xây dựng hồ chứa nước với tổng vốn gần 700 tỷ đồng. Việc thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao tiêu chí hình thành tổ chức sản xuất tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sau khi được xác nhận đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn giá ngoài thị trường từ 20 - 30%. Ðể thu hút người dân tham gia vào liên kết sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 11,8 tỷ đồng hình thành 19 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp với 1.175 hộ nông dân tham gia. Tham gia các dự án liên kết sản xuất, trình độ sản xuất của người dân, trình độ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã và năng lực cán bộ làm nông nghiệp được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Tại huyện Tủa Chùa, mô hình liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đang từng bước hình thành góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðịnh hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là sản xuất theo chuỗi liên kết, các sản phẩm phát triển theo hướng hàng hóa. Huyện vận dụng tối đa các chính sách hiện có như Quyết định số 45 của UBND tỉnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, lựa chọn những sản phẩm, đơn vị chủ trì (doanh nghiệp, HTX) tham gia các sản phẩm OCOP để phát huy thế mạnh của huyện như: chè cây cao, khoai sọ, dê, gà xương đen, đậu đỏ… Hiện nay, một số sản phẩm như: Bí chất lượng cao, chanh leo, khoai sọ, các cây dược liệu dưới tán rừng (sa nhân), cây ăn quả ở những xã phía Bắc (lê)… đã được xác định đầu tư phát triển theo chuỗi liên kết. Năm 2019, huyện Tủa Chùa có các loại cây ăn quả là xoài, lê, chanh leo (ở xã Trung Thu) được phát triển theo hướng liên kết hàng hóa. Ðiểm sáng trong sản xuất theo hình thức này là nhận thức của người dân được nâng lên rất nhiều. Ðiển hình là bà con đã chủ động liên kết với doanh nghiệp, HTX để bao tiêu sản phẩm mà không trông chờ ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Liên kết với HTX, nông sản làm ra có nguồn tiêu thụ ổn định, không sợ ế thừa bà con rất phấn khởi. Tận dụng lợi thế hơn 40km đường sông, huyện đã hỗ trợ người dân phát triển hơn 40 lồng nuôi cá trên sông Ðà; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh thành lập HTX Nuôi, trồng thủy sản Tủa Thàng…

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top