Kỳ vọng hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ nông nghiệp

10:33 - Thứ Hai, 27/04/2020 Lượt xem: 9776 In bài viết

ĐBP - Thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã giúp giảm các đầu mối, tinh gọn lại bộ máy của các đơn vị cùng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở cấp huyện. Ðồng thời, với chức năng là đơn vị sự nghiệp, các trung tâm này còn đang được kỳ vọng là đòn bẩy, là động lực để thúc đẩy nông nghiệp tại các địa phương phát triển.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo hướng dẫn người dân thị trấn Tuần Giáo chăm sóc lúa. Ảnh: Diệp Chi

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo thành lập từ cuối tháng 12/2019 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật với 18 biên chế viên chức. Ông Hoàng Văn Hiển, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động nhưng có thể thấy việc thu gọn đầu mối của các ngành về một đơn vị giúp các hoạt động được tinh gọn, không còn sự chồng chéo như trước. Trước đây, mặc dù đều làm chuyên môn về nông nghiệp nhưng 3 trạm này hoạt động độc lập với nhau. Hơn nữa, chỉ có Trạm Khuyến nông là đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện, còn Trạm Bảo vệ thực vật, Thú y chịu sự quản lý, chỉ đạo của các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ðiều đó gây ra sự thiếu linh hoạt trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung cũng như rất khó tập trung nguồn lực để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh, nhất là lúc xảy ra dịch bệnh, thiên tai trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm tập trung vào thực hiện các chức năng mang tính chất dịch vụ, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; chức năng quản lý Nhà nước sẽ được chuyển giao về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Có sự tách bạch rõ ràng nên hiệu quả hoạt động chắc chắn sẽ được nâng lên. Về chức năng nhiệm vụ, Trung tâm còn có thể thực hiện các dịch vụ khuyến nông, cung ứng và tư vấn sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, vắc xin, phân bón, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư, trang thiết bị thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và ngành nghề nông thôn phục vụ sản xuất. Trước đây, các trạm cũng đã thực hiện cung cấp các dịch vụ này nhưng chưa thực sự rõ nét và hiệu quả cũng không cao. Thời gian tới, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện theo nhiều hướng mới đối với một số nhiệm vụ được giao. Như tập trung vào xây dựng các mô hình trình diễn nông nghiệp, tạo nguồn cây giống, con giống để cung cấp cho người dân; đồng thời, cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật… Nếu làm được điều đó thì vừa giúp cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm được nâng lên vừa góp phần phát triển nông nghiệp của huyện.

Ðồng tình với quan điểm trên, bà Ðặng Thị Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên khẳng định, việc sáp nhập 3 trạm làm một là giải pháp quan trọng về mặt tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tạo ra sự nhất quán trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bà Hồng cho biết: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 13/1/2020 với 31 biên chế viên chức. Thời gian hoạt động chưa lâu nhưng cũng có thể thấy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã hài hòa hơn so với trước. Việc điều hành, chỉ đạo của UBND huyện về sản xuất nông nghiệp cũng kịp thời, sát với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ có hướng dẫn cụ thể của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên ngay sau sáp nhập, các tổ của Trung tâm nhanh chóng đi vào hoạt động và duy trì thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, Trung tâm phối hợp thực hiện một số dự án thuộc chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, thực hiện một số chương trình như chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng gần 600ha trồng các giống lúa mới... Từ những kết quả đạt được, Trung tâm còn mong muốn tạo được sự liên kết với người nông dân để có sự chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm... 

Mô hình trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện còn rất mới nên chưa thể đánh giá ngay hiệu quả trong thời gian ngắn. Nhưng từ sự chuyển biến về mặt sắp xếp tổ chức, bộ máy gọn gàng, linh hoạt hơn có thể kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top