Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh

08:59 - Thứ Tư, 29/04/2020 Lượt xem: 8341 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng chú trọng đến những mặt hàng nông sản an toàn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường (mô hình nông nghiệp xanh).

Gia đình chị Hoàng Thị Lực, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ.

Ðể hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững, việc sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ là những yếu tố then chốt. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng, bảo vệ môi trường.

Năm 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên đã triển khai mô hình liên kết với người dân một số xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên tổ chức sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi. Theo đó, Công ty hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, làm cỏ sục bùn và khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, vi sinh… để mang lại sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường. Qua đánh giá, mô hình cho hiệu quả cao từ năng suất đến chất lượng, giá bán sản phẩm cao, chi phí, nhân công giảm so với các phương pháp truyền thống. Thành công vụ đầu tiên với 10ha, đến nay Công ty mở rộng diện tích liên kết với người dân lên trên 50ha lúa, sản lượng tiêu thụ mỗi vụ hơn 300 tấn gạo. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến nền nông nghiệp xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học gây ra.

Gia đình chị Hoàng Thị Lực, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) là một trong những hộ dân điển hình về trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ. Chị Hoàng Thị Lực cho biết: “Thực hiện mô hình sản xuất rau hữu cơ, gia đình tôi đã được tập huấn cách thức sản xuất rau sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng mô hình này có nhiều lợi ích như: Không ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp trồng, chăm sóc; cho năng suất, chất lượng nông sản cao. Sản phẩm của gia đình luôn được tiêu thụ hết, thậm chí không đủ để cung cấp”.

Từ hiệu quả những mô hình nông nghiệp xanh đã tạo tiền đề quan trọng để các địa phương định hướng phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Ðến nay, toàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp xanh; xây dựng và xác nhận 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn, không thuốc hóa học; giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30%. Ðến nay UBND tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo, hỗ trợ tổ chức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 189ha; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP: 102ha; thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa tại xã Thanh Yên và Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) với tổng diện tích gần 62ha; cấp chỉ dẫn địa lý và mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 của Công ty TNHH thực phẩm Safe Green với diện tích 15ha và cấp đăng ký mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cà phê của Công ty Cà phê Ðại Bách Mường Ảng, gạo Bắc thơm số 7 của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên… Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Ðã xây dựng 700m2 rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ cao; 3ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới cơ bản; sản xuất nuôi trồng và chế biến nấm, sản xuất nuôi cấy đông trùng hạ thảo… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương chiếm 0,25% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top