Hiệu quả ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp

09:34 - Thứ Hai, 04/05/2020 Lượt xem: 7750 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời giảm chi phí đầu tư và công sức lao động.

Cán bộ kỹ thuật cân trọng lượng, theo dõi sinh trưởng phát triển của vịt trong mô hình nuôi vịt an toàn sinh học trên địa bàn xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông).

Nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn theo hướng GAP (Good Agricultural Practices, tạm dịch là: Sản phẩm nông nghiệp thực hành tốt) và chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, năm 2018 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh phối hợp với huyện Ðiện Biên triển khai thực hiện “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP” trên địa bàn xã Noong Luống và xã Thanh Xương với quy mô 4,5ha và 32 hộ dân tham gia trồng súp lơ, cà chua, đỗ leo. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất và quá trình phát triển của cây trồng. Tổng kết mô hình, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật của các hộ dân trong mô hình thấp hơn 1,5 - 3 lần so với sản xuất truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, trừ các chi phí, 1ha súp lơ trồng theo mô hình lãi tăng gần 7 triệu đồng so với cách truyền thống; cà chua lãi tăng gần 9 triệu đồng/ha.

Theo ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống, thì mô hình sản xuất rau hướng GAP cơ bản có tổng chi phí đầu vào thấp hơn so với cách trồng truyền thống của nông dân, chủ yếu do giảm chi phí về tiền thuốc và công phun thuốc BVTV, công lao động. Ðặc biệt là người dân biết áp dụng KHKT vào sản xuất. Ðến nay mặc dù mô hình đã kết thúc nhưng vẫn được người dân duy trì, mở rộng diện tích và bước đầu đã hình thành mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Safe Green, Xanh Mart Ðiện Biên.

Tương tự, mô hình “Nuôi cá tầm trong lồng” thuộc dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông (nay sáp nhập thành Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh) thực hiện năm 2018 trên các hồ: Pá Khoang, Hồng Khếnh, Pe Luông (huyện Ðiện Biên), sông Ðà (TX. Mường Lay)… Mục tiêu nhằm trình diễn và chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT nuôi cá tầm trong lồng bè trên sông, hồ chứa theo hướng VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 10 tháng nuôi với mật độ 15 con/m3 trong lồng, tỷ lệ sống đạt 90,3%; trọng lượng bình quân 1,8kg/con, số tiền lãi đạt hơn 333 triệu đồng. Nếu nuôi 200m3 cá tầm với mật độ như trên, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, tỷ lệ sống cao, mỗi hộ dân có thể thu nhập đạt 33 triệu đồng/tháng. Tham gia mô hình người dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cá tầm nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung trong lồng bè. Từ đó có thể vận dụng và tự đầu tư phát triển quy mô nuôi cá lồng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, hoạt động ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua thu được những kết quả khá toàn diện. Ðến nay đã tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm 62 giống cây trồng các loại; trong đó khảo nghiệm 22 giống lúa và ngô. Ðưa 60 giống cây trồng (gồm 30 giống lúa, 28 giống ngô và 2 giống đậu tương) vào danh mục giống cây lương thực có hạt và cây công nghiệp ngắn ngày hỗ trợ theo các quy định hiện hành trên địa bàn tỉnh. Trong chăn nuôi đã hình thành được các vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại; ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm nuôi các giống mới, như: Lợn rừng, nhím, gà ác… Lĩnh vực thủy sản duy trì tốc độ tăng sản lượng bình quân 9,1%/năm; ngành Nông nghiệp tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KHKT đưa vào nuôi một số giống có giá trị kinh tế cao như: Cá hồi, cá tầm, cá nheo, cá chiên, ba ba… góp phần tăng lợi nhuận sản xuất cho các hộ dân gấp 2 - 2,5 lần so với các đối tượng nuôi truyền thống.

Quan trọng hơn là thông qua các mô hình đã làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân: Biết áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top