Các địa phương quyết tâm khắc phục khó khăn tái đàn lợn

15:20 - Thứ Ba, 05/05/2020 Lượt xem: 9091 In bài viết

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, các địa phương trong cả nước hiện đang cố gắng khắc phục khó khăn nhằm tái đàn lợn hiệu quả.

Ảnh minh họa

Quảng Trị: Tăng cường kiểm soát giống lợn

Để chủ động kiểm soát chặt chẽ đàn lợn nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong thời gian tới, hạn chế sự lây lan bệnh, tạo thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát lợn nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ở Quảng Trị, bệnh lở mồm long móng ở lợn không xảy ra, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát và khống chế, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao nên người dân bắt đầu tái đàn, tăng đàn lợn để có thu nhập trang trải cuộc sống nên nhu cầu nhập giống lợn ở các địa phương khác về nuôi tăng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc. Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGap; quy định về kiểm dịch lợn.

Việc tái đàn, tăng đàn lợn phải đảm bảo an toàn sinh học. Hộ chăn nuôi trước khi nuôi phải đăng ký với UBND xã, phường, thị trấn để được kiểm tra xác nhận điều kiện nuôi và hướng dẫn thực hiện các điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

Sau khi nhập giống về nuôi phải kê khai số lượng, giống lợn nhập về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi. Nếu nhập giống ngoại tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thú y tỉnh cấp.

Ngoài ra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ bám sát địa bàn hỗ trợ địa phương trong công tác kê khai, đăng ký chăn nuôi; theo dõi giám sát hoạt động chăn nuôi và dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP.

Tái đàn lợn tại Đăk Lăk: Siết chặt chăn nuôi nông hộ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này xuất hiện từ cuối tháng 5/2019. Tính đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 4.430 hộ ở 143 xã/phường thuộc tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Dịch đã làm 44.822 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy là 2.516.014 kg. Đến thời điểm này dịch đã có dấu hiệu lắng xuống. Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana và Ea Súp đã công bố hết dịch.

Theo ngành nông nghiệp Đăk Lăk, thời gian qua dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở quy mô nông hộ gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh Đăk Lăk. Đặc biệt, sau dịch, người chăn nuôi ở không ít địa phương rơi vào tình trạng “trắng chuồng”.

Tuy nhiên, việc tái đàn ở các hộ chăn nuôi không hề dễ dàng do nguồn vốn đầu tư gần như mất trắng theo đàn lợn bị dịch, trong khi giá con giống hiện ở mức cao (khoảng 2 triệu đồng/con). Mặt khác, không phải hộ nào muốn tái đàn cũng được mà chuồng trại phải đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, phải được sự cho phép của cơ quan chuyên môn thì mới được tái đàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk, việc tái đàn lợn là cần thiết nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, góp phần cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Dù vậy, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, tránh tâm lý nóng vội, tự ý tái đàn tràn lan, nhất là trong đợt giá lợn tăng đột biến như thời gian qua.

Sở cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các địa phương thực hiện các nội dung như: theo dõi, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi lợn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; cơ sở chăn nuôi lợn trong môi trường lạnh, khép kín có ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học tại những vùng không có dịch; những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch đủ điều kiện thì cho tái đàn, nhưng phải chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống rõ ràng, sạch bệnh.

Đối với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, chuồng trại không bảo đảm, tạm bợ thì không nên tái đàn, mà cần phải chờ cho đến khi bệnh dịch tả heo châu Phi đã được khống chế. Đồng thời tiến hành sát trùng tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thu dọn phân, rác thải và xử lý ủ vôi bột; qua 30 ngày trên địa bàn không phát sinh bệnh dịch tả heo châu Phi thì mới đủ điều kiện cho tái đàn theo quy định… 

Hải Phòng: Chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn

Trước dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Hải Phòng có 344.000 con, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô dưới 50 con) chiếm 50% tới tổng đàn. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến 2.474/19.256 cơ sở có lợn bị tiêu hủy và trong đó, các cở sở chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 97%.

Thực hiện chủ trương tái đàn sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi, hiện Hải Phòng đang có 1.998 cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn với quy mô khoảng 66.331 con, trong đó, số cơ sở chăn nuôi có dịch tái đàn sau 30 ngày là 711 cơ sở với quy mô tái đàn 26.060 con. Tuy nhiên, việc tái đàn hiện tại phát triển mạnh chủ yếu ở các trang trại và gia trại, còn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, vấn đề cốt lõi của tái đàn hiện tại chủ yếu là vấn đề con giống chưa đáp ứng được nhu cầu tái đàn và cơ sở vật chất tại các gia trại chưa đáp ứng được yêu cầu để tái đàn. Giá lợn giống hiện tại rất cao, từ 2 đến gần 3 triệu 1 con khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt khác các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 50% tổng đàn trước dịch hiện nay vấn đề đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học rất kém.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, tổng đàn lợn nái của Hải Phòng hiện chỉ có khoảng 12.000, trước dịch bị tiêu hủy 32.000 nái, chiếm đến 75% tổng đàn nái. Lượng đàn nái hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu tái đàn, thời gian tới, sẽ tiếp tục tuyên truyền sản xuất giống.

Mặt khác, hỗ trợ trang trại trên 300 con, sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 3 năm, tối đa 100 triệu đồng. Đề xuất UBND TP Hải Phòng xây dựng một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ mua lợn nái ngoại.

Bắc Kạn khó tái đàn lợn

Việc tái bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi ở một số huyện cộng với giá con giống quá cao, khiến người nuôi lợn tỉnh Bắc Kạn e ngại tái đàn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 7 xã thuộc 5 huyện bị tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Điều đó lý giải tại sao bà con rất lo lắng chuyện dịch bệnh, và tâm lý rụt rè trong việc tái đàn là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên đứng ở khía cạnh khác, đây cũng là cơ hội cho những người chăn nuôi có thu nhập cao từ nuôi lợn. Tất nhiên họ phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh và có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi thì mới hy vọng thành công.

Có nhiều lý do khó tái đàn, như giá lợn giống rất cao, lên tới gần 200.000 đồng/kg khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng mua con giống. Thứ nữa, giá con giống cao nhưng lại thiếu nên muốn mua cũng không dễ. Đặc biệt là tâm lý lo sợ dịch bệnh tả lợn châu Phi quay trở lại nên nhiều hộ có khả năng tái đàn cũng lưỡng lự không dám đầu tư.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, lợn giống được nhập về lên tới hàng chục ngàn con, trong khi đó tỉnh có đàn nái địa phương khoảng 10.800 con. Điểm yếu của nái địa phương là tỷ lệ đẻ thấp, chỉ rơi vào 14 con/năm, vì vậy Bắc Kạn vẫn đang thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 con giống/năm.

Nhưng không vì thiếu giống mà buông lỏng, tỉnh vẫn phải kiểm soát nghiêm ngặt và áp dụng những biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ trong việc vận chuyển lợn con và lợn giống. Đó là quan điểm nhất quán, nhất là khi dịch bệnh chưa được khống chế triệt để.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cũng đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền để bà con nhân dân nâng cao ý thức vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Chỉ khuyến khích những hộ dân nào có chuồng trại hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn sinh học và có khả năng về tài chính hãy nên tái đàn. Nếu không, bà con được khuyến cáo chuyển sang chăn nuôi các lĩnh vực khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, hay làm các mô hình kinh tế khác. Với mục đích để giảm nguy cơ rủi ro dịch bệnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời bù đắp những thiếu hụt về thịt lợn đã xảy ra. Tuy nhiên với việc vừa thiếu con giống, giá con giống lại cao, cộng với việc dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nhiều nơi như vừa qua, Bắc Kạn sẽ khó hoàn thành việc tái đàn lợn như mục tiêu đề ra.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top