Hướng tới mục tiêu xã hội hóa bảo vệ rừng

09:42 - Thứ Tư, 06/05/2020 Lượt xem: 7868 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng hướng tới phát triển rừng gắn với lợi ích kinh tế, tạo việc làm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng cộng đồng, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

Kiểm lâm địa bàn xã Sa Lông, huyện Mường Chà cùng người dân chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V

Ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Ðể mô hình đạt hiệu quả, chặt chẽ và tránh ồ ạt, hình thức, hạt kiểm lâm các huyện rà soát những thôn, bản điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng để lựa chọn xây dựng mô hình. Mỗi huyện thành lập ít nhất từ 3 mô hình trở lên thực hiện thí điểm; thời gian thực hiện từ đầu tháng 2 - 31/12/2020. Hạt kiểm lâm các huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã tổ chức họp thống nhất lựa chọn, xây dựng mô hình; kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm hỗ trợ trưởng bản xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình, đồng thời tổ chức họp dân thông qua kế hoạch để người dân biết và tham gia ý kiến. Kế hoạch chỉ có hiệu lực khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong bản biểu quyết tán thành. Mô hình sẽ được tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm vào cuối năm, trên cơ sở đó sẽ đưa ra quyết định điều chỉnh và nhân rộng mô hình.

Bản Bua, xã Ẳng Tở là một trong 4 bản của huyện Mường Ảng được lựa chọn thực hiện mô hình bảo vệ rừng cộng đồng. Ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: Xã có trên 1.700ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ đạt 20,93%. Khi họp triển khai mô hình không chỉ các tổ chức đoàn thể nhiệt tình tham gia mà tất cả người dân trong bản đều đồng tình ủng hộ. Mô hình quy định trách nhiệm, quyền lợi rất rõ đối với từng người dân trong bản về bảo vệ và phát triển rừng như: Khi canh tác nương người dân phải theo quy hoạch, đốt nương phải kiểm soát không để cháy lan ra khu vực xung quanh; chăn thả gia súc đúng nơi quy định; không khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và lâm sản ngoài gỗ; không khai thác, săn bắt, gây nuôi và phát triển động vật rừng; tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Cũng là một địa phương đang đẩy mạnh mục tiêu xã hội hóa bảo vệ rừng, Mường Chà là huyện triển khai mô hình quản lý rừng cộng đồng từ sớm. Hiện nay huyện Mường Chà đã thành lập 3 mô hình tại các bản: Pom Cại (xã Mường Tùng), Nậm Nèn (xã Nậm Nèn) và bản Cổng Trời (xã Sa Lông).

Nói về chủ trương này, ông Lò Văn Thân, Trưởng bản Pom Cại (xã Mường Tùng) chia sẻ: Khi thực hiện mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, người dân trong bản đồng tình ủng hộ, vì ai cũng có trách nhiệm và quyền lợi trong đó. Nếu như trước đây một số hộ còn hay so bì kiểu “nhà mình thì giữ rừng nhưng nhà kia lại lên rừng chặt cây, lấy măng” thì bây giờ tư tưởng ấy không còn nữa. Vì mọi trách nhiệm, quyền lợi được quy định rõ với từng người dân khi tham gia mô hình. Ðặc biệt, thực hiện quản lý, bảo vệ rừng người dân còn được chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con hoàn toàn đồng thuận.

Với mục tiêu bảo vệ “lá phổi xanh” là trách nhiệm không của riêng ai, đến nay các địa phương trên toàn tỉnh đã thành lập mô hình thí điểm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top