Ngành Ngân hàng gặp khó bởi dịch bệnh Covid-19

08:33 - Thứ Tư, 13/05/2020 Lượt xem: 8709 In bài viết

ĐBP - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Sự gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng. Các hệ thống ngân hàng đều tung ra nhiều gói tín dụng để hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 dẫn đến tụt giảm lợi nhuận. Ðồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nợ xấu tăng khi nhiều khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank Ðiện Biên. Ảnh: Phạm Trung

Ðến nay dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, theo các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng của ngành Ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Sau khi rà soát, tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngành Ngân hàng, có thể chia thành 2 nhóm yếu tố. Thứ nhất là nhóm các yếu tố tác động trực tiếp như: Giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cần cơ cấu lại; giảm lãi suất đối với cho vay mới; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt, miễn hoặc giảm phí chuyển tiền/thanh toán. Thứ hai là nhóm các yếu tố tác động gián tiếp như: Giảm thu lãi do tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh tỉnh Ðiện Biên (Agribank Ðiện Biên) là một trong những chi nhánh ngân hàng thương mại chịu tổn thất nhiều nhất do dịch Covid-19. Ðến 30/4/2020, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 6.882 tỷ đồng, giảm 450 tỷ đồng so với đầu năm; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 908 tỷ đồng. Ðây là năm đầu tiên sau rất nhiều năm mức độ tăng trưởng của Agribank Ðiện Biên tụt giảm nhiều như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Giám đốc Agribank Ðiện Biên cho biết: Ðối với Agribank Ðiện Biên, dịch Covid-19 đã tác động ở 3 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất, cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn (hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn do giãn cách xã hội, hạn chế đi lại bởi dịch Covid-19, đặc biệt là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, vui chơi giải trí...) Tác động thứ hai là tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có thể phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài. Thứ ba là nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc. Ðiều này đặt ra yêu cầu ngân hàng phải đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng tốc việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nền kinh tế.

Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng liên tiếp sụt giảm trong quý I/2020, Agribank Ðiện Biên vẫn thực hiện các biện pháp để kích cầu tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Agribank đã triển khai rất nhiều giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mức lãi suất miễn giảm tối đa 1% đối với nội tệ, 0,5% đối với ngoại tệ và triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ðến hết 30/4, tổng số khách hàng đã được Agribank hỗ trợ là 151 khách hàng với tổng dư nợ 511 tỷ đồng. Trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 74 khách hàng, tổng dư nợ 379 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay 3 khách hàng, tổng dư nợ 31 tỷ đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất 55 khách hàng, tổng số tiền đã giải ngân 101 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đang được Agribank Ðiện Biên hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được hỗ trợ theo quy định của Agribank.

Tăng trưởng cho vay thấp cùng với đó là nguồn lực hỗ trợ khách hàng phải trích từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, do đó tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng đương nhiên bị sụt giảm. Trong quý I/2020, ước tính lợi nhuận của Agribank Ðiện Biên bị sụt giảm 20 - 30 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, hoạt động của ngành Ngân hàng có độ trễ so với các loại hình doanh nghiệp khác do các khoản cấp tín dụng đều có thời hạn cụ thể. Các gói hỗ trợ ngân hàng dành cho khách hàng có thời hạn 6 tháng, thêm vào đó là thời gian hỗ trợ đến hết 3 tháng sau ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Vì vậy, thời gian phục hồi hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải cần ít nhất là 1 - 2 năm sau khi hết dịch kèm thêm điều kiện là các doanh nghiệp cũng phải phục hồi được sản xuất kinh doanh.

Tình hình hoạt động của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Ðiện Biên (BIDV Ðiện Biên) cũng bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ðến 30/4, tổng dư nợ tín dụng đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% (khoảng 300 tỷ đồng) so với năm 2019 và không tăng so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp đạt 2.500 tỷ đồng, giảm 80 tỷ đồng so với năm 2019 (tương ứng 3% tổng dư nợ); dư nợ cá nhân đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 9% (220 tỷ đồng) so với năm 2019. Tuy tăng trưởng cho vay bị giảm sút do dịch Covid-19 song BIDV Ðiện Biên đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và BIDV Việt Nam về triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với các khách hàng bị thiệt hại. Cụ thể, đến hết quý I, BIDV Ðiện Biên đã giảm lãi vay cho hơn 80% dư nợ khối khách hàng doanh nghiệp, cơ cấu lại khoản vay cho các doanh nghiệp đủ điều kiện; miễn giảm cho hơn 40% dư nợ bán lẻ và cơ cấu lại cho khách hàng đủ điều kiện. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm mạnh.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top