Mô hình tốt - cách làm hay

Anh Vàng A Thính với mô hình nuôi trâu công nghiệp

09:05 - Thứ Sáu, 15/05/2020 Lượt xem: 7728 In bài viết

ĐBP - Anh Vàng A Thính, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Anh Thính đã qua nhiều vị trí công tác và hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Có bằng kỹ sư lâm nghiệp, những năm qua anh Thính đã say sưa thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của địa phương. Trong đó, mô hình nuôi trâu theo hướng công nghiệp, khép kín được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất.

Sau nhiều tính toán, phân tích điều kiện tự nhiên và thế mạnh của địa phương; anh Thính nhận thấy xã có nhiều bãi chăn thả tự nhiên rộng, thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc nhưng vẫn chưa được phát huy. Ðể thay đổi tập quán chăn thả tự nhiên, anh thí điểm mô hình nuôi trâu tập trung và trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn quanh năm.

Sau khi bàn với gia đình, anh bắt tay vào thực hiện từng công đoạn, xây dựng chuồng trại kiên cố, bài bản, tính toán hướng gió thông thoáng để mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông; đồng thời tập trung cải tạo đất trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn... Quy trình chăn nuôi đã từng bước hoàn thiện theo hướng công nghiệp và khép kín. Nguồn thức ăn cho hơn 20 con trâu hoàn toàn bằng cỏ voi, khối lượng cỏ còn dư được anh ủ lên men theo phương pháp hiện đại để làm thức ăn dự trữ cho mùa đông. Phân trâu cũng được anh tận dụng để nuôi giun quế làm thức ăn cho trên 100 con gà thịt, lượng phân thừa được dùng để chăm sóc cho diện tích cỏ voi…

Về kỹ thuật chăm sóc, anh Thính cho biết: Không giống như những loài vật nuôi khác, trâu được nuôi theo hướng công nghiệp thì sẽ ít dịch bệnh hơn, thịt béo và mềm được các thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng nên cũng bán được giá cao hơn trâu thả rông. Những con trâu mới mua về đều được cách ly và chăm sóc theo một quy trình riêng để tránh lây nhiễm cho đàn nếu như có mầm bệnh. Bên cạnh đó, đàn trâu cũng được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh và thường xuyên theo dõi sức khỏe. Với quy trình chăn nuôi đàn trâu hơn 20 con như hiện nay, đem lại thu nhập cho gia đình anh Thính khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ðánh giá về mô hình nuôi trâu theo hướng công nghiệp của gia đình anh Thính, đồng chí Tô Hiến Quyên, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Ðây là mô hình hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã; phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế và định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa của huyện. Vì vậy, hiện nay xã đã vận động được một số hộ dân học tập, triển khai theo mô hình này, phấn đấu trong năm nay sẽ triển khai được 5 - 7 hộ. Trong dự thảo nghị quyết trình Ðại hội Ðảng bộ xã, chúng tôi cũng đã đề ra mục tiêu phát triển từ 25 - 30 mô hình như vậy trong giai đoạn 2020 - 2025.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top