Tháo gỡ khó khăn, giải tỏa nỗi lo thiếu điện

09:54 - Thứ Sáu, 15/05/2020 Lượt xem: 6802 In bài viết

Ngành điện đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong 4 tháng đầu năm, bảo đảm cung ứng điện an toàn, tin cậy phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh. Nhưng thời gian tới, ngành điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bước vào cao điểm mùa khô. Trong ngắn hạn, ngành điện có thể bảo đảm đủ nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, về lâu dài, đâu là giải pháp để có đủ nguồn điện đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, đời sống của người dân?

Bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các bệnh viện, cơ sở y tế

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. EVN đã yêu cầu xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động SXKD, trong đó phải tính toán đến những tình huống xấu nhất. Tới nay, EVN đã bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các bệnh viện, cơ sở y tế, các khu vực có tiếp nhận điều trị, theo dõi, cách ly bệnh nhân và người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đáng chú ý, khi hoạt động SXKD trong quý I-2020 không được thuận lợi, bởi tình hình thủy văn diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nghiêm trọng, EVN đã chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương về các giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra, trong đó có việc giảm giá điện, với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá, đánh giá cao sự chủ động của EVN trong việc chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vượt qua dịch Covid-19, bảo đảm ổn định SXKD và đời sống nhân dân. Việc giảm giá điện này thể hiện sự cố gắng rất lớn của EVN.

Các dự án điện mặt trời áp mái là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm năng lượng quốc gia. Ảnh: Việt Trung

Tình hình cung cấp điện mùa khô dự báo nhiều khó khăn

Thông tin từ EVN cho thấy, tình hình cung cấp điện từ nay đến hết mùa khô 2020 được dự báo còn nhiều khó khăn do tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện được dự báo rất kém; tình hình cung cấp nhiên liệu than và khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc vận hành hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, hiện tình hình nước về các hồ thủy điện vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Ngay trong 4 tháng đầu năm, mặc dù phụ tải chưa phải tăng cao nhưng toàn hệ thống cũng đã phải huy động 1,02 tỷ kWh, chạy bằng nguồn điện chạy dầu có giá thành cao để giữ nước các hồ thủy điện phục vụ yêu cầu vận hành trong cả mùa khô, tăng gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019. Tình trạng nước về các hồ thủy điện rất kém so với kế hoạch cũng như trung bình nhiều năm dẫn tới thiếu hụt lớn sản lượng huy động từ thủy điện, việc huy động từ nhiệt điện than, khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện của mùa khô cũng như cả năm 2020.

Nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 vì nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Theo các tính toán của Bộ Công Thương, khả năng bảo đảm điện cho năm 2020 về cơ bản vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến 2025. Dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các dự án điện tiếp tục chậm và không thể hoàn thành; đồng thời công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không được triển khai thực chất.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (gọi tắt là Ban chỉ đạo), nguy cơ thiếu điện vì nhiều dự án trong quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) bị chậm tiến độ. Cụ thể, việc thiếu hụt nguồn điện do trong số 62 dự án nguồn điện công suất trên 200MW/dự án, chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đề cập tới những khó khăn, vướng mắc dẫn tới chậm tiến độ các dự án điện, Ban chỉ đạo cho hay, hiện có nhiều vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1-10-2019 (thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) nhưng đến nay chưa có các thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết kèm theo, dẫn đến những khó khăn trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện các dự án. Cùng với đó, quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư vẫn bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ, ngành. Các vướng mắc chủ yếu đến từ những vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng… Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.

Ngoài những bất cập về thủ tục đầu tư thì theo Ban chỉ đạo, điển hình nhất vẫn là những khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB)... Theo đó, công tác đền bù GPMB các dự án điện vẫn gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong GPMB liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Xem xét làm nhà máy điện trên tàu, sà lan để cấp điện cho miền Nam

Đề cập tới một số giải pháp bảo đảm cung ứng điện, Ban chỉ đạo cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ. Khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này. Xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo với cơ cấu và tỷ lệ hợp lý, nhất là các dự án điện mặt trời áp mái. Trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để bảo đảm cấp điện cho miền Nam, có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, sà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện, với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3 đến 10 năm và dải công suất dao động trong khoảng 30MW đến 620MW. Đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực theo chủ trương Chính phủ đã phê duyệt. Đặc biệt, đẩy nhanh hoặc cải cách hành chính thủ tục điều chỉnh quy mô, tiến độ các dự án lưới điện đã có trong danh mục của Quy hoạch điện VII điều chỉnh để bảo đảm tiến độ các dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, Ban chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bồi thường GPMB, đặc biệt là thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án điện. Đây là thủ tục mất khá nhiều thời gian và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.

P.V (Theo QĐND)
Bình luận
Back To Top