Hiệu quả bước đầu dự án dồn điền, đổi thửa

09:05 - Thứ Tư, 20/05/2020 Lượt xem: 7171 In bài viết

ĐBP - Trước đây, gia đình ông Phạm Văn Cường, đội 5, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) có hơn 3.200m2 ruộng chia thành 7 thửa nhỏ, cách xa nhau. Ông Cường cho biết: “Ngày trước, khi triển khai chia ruộng đất, để đảm bảo công bằng nên hộ nào cũng có ruộng gần, ruộng xa, ruộng tốt, ruộng xấu. Bình quân mỗi mảnh ruộng khoảng từ 300 - 500m2. Cá biệt, có thửa diện tích chỉ 70 - 100m2. Ruộng nhà tôi gồm các thửa nhỏ, nằm rải rác ở nhiều nơi. Trước kia sản xuất thủ công thì không sao song từ năm 2015 người dân bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nên xuất hiện nhiều bất cập, canh tác khó khăn”.

Dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp. Trong ảnh: Người dân xã Thanh Hưng thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Thực hiện dự án dồn điền đổi thửa, toàn bộ diện tích khoảng 40ha ruộng 2 vụ của 6 thôn trên địa bàn xã Thanh Hưng được cải tạo bằng phẳng, chia thành các thửa lớn, hệ thống giao thông, mương máng được xây dựng kiên cố nên thuận lợi cho việc canh tác. Mặt khác, các hộ dân có ruộng trong cánh đồng mẫu lớn gieo cấy cùng thời điểm, cùng giống lúa, cùng thu hoạch nên thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, năng suất tăng lên. Ông Phạm Văn Cường cho biết: Thực hiện dự án, các thửa ruộng phân tán của nhà tôi được dồn, đổi cho các hộ khác, từ 7 thửa ruộng với diện tích hơn 3.000m2 dồn thành 1 mảnh. Ngày trước các thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún nên việc gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch mất nhiều thời gian; năng suất, sản lượng lúa không đồng đều. Chính vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương thực hiện dồn điền đổi thửa, bà con rất đồng thuận. Chi phí bình quân dồn điền đổi thửa cho 1.000m2 ruộng khoảng 3 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 400.000 đồng, người dân đóng góp 2,6 triệu đồng. Như gia đình tôi có 3.000m2 phải góp thêm gần 8 triệu đồng để dồn từ 7 thửa thành 1 thửa tập trung. 3 năm qua, diện tích ruộng tập trung rất thuận lợi cho sản xuất từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. Về năng suất chỉ mất năm đầu tiên mới cải tạo thì hơi thấp so với mọi năm nhưng qua 6 vụ sản xuất, năng suất đã ổn định. Vụ đông xuân năm nay, năng suất lúa ước đạt 68 - 70 tạ/ha.

Năm 2018, tỉnh ta lựa chọn xã Thanh Hưng làm xã điểm để triển khai dự án dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Sau gần 3 năm thực hiện, bây giờ về xã Thanh Hưng, ấn tượng đầu tiên là những thửa ruộng lớn vuông vắn, kênh mương kiên cố, đường nội đồng được đổ bê tông rất thuận lợi cho cơ giới hóa trong các khâu vận chuyển, làm đất, thu hoạch lúa.

Bà Hà Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Thực hiện dự án dồn điền đổi thửa, từ 40ha ruộng gồm 944 thửa được dồn thành 340 thửa với diện tích 38,4ha (trừ diện tích bờ, đường nội đồng), diện tích bình quân từ 1.000 - 3.000m2/thửa. Triển khai dự án, ban đầu người dân cũng có nhiều ý kiến song xã đã tập trung tuyên truyền để bà con nhận ra sự bất cập trong sản xuất trên nhiều mảnh ruộng nhỏ lẻ. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã đồng thuận đóng góp thêm kinh phí để dự án được thực hiện. Sau 3 năm, cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, toàn bộ diện tích dồn điền đã được cơ giới hóa 100% ở các khâu: Làm đất và thu hoạch. Dự kiến các vụ tới, xã sẽ áp dụng thêm máy cấy vào sản xuất.

Ông Lò Văn Luyến, đội 6, xã Thanh Hưng cho biết: Thực hiện dồn điền đổi thửa giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế. Ðầu tiên là giảm chi phí sản xuất. Trước nhiều thửa, nhiều mảnh, các hộ phải thuê nhiều công lao động hơn để gieo cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh và thu hoạch; tốn thời gian di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Sản xuất tập trung cho năng suất, sản lượng lúa tăng 20% so với trước. Ðơn cử như vụ đông xuân năng suất tăng từ 55 - 56 tạ/ha lên 70 - 72 tạ/ha. Năng suất tăng trong khi chi phí sản xuất giảm thì đương nhiên hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ngoài khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán thì việc dồn điền đổi thửa hình thành cánh đồng mẫu lớn là để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðồng thời, đây là cơ sở để quản lý đất đai đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng. Thành công bước đầu trong dồn điền đổi thửa tại xã Thanh Hưng là tiền đề để nông dân thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top