Chưa có kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế

16:12 - Thứ Tư, 20/05/2020 Lượt xem: 6364 In bài viết

Các hãng hàng không Việt Nam cho biết, hiện đã sẵn sàng cho việc mở bay lại đối với các đường bay quốc tế, nếu được phép sẽ triển khai phục vụ hành khách ngay. Tuy nhiên, đại diện điện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, khi nào thế giới công bố hết dịch, các nước dỡ bỏ các điều kiện nhập cảnh, cách ly thì Việt Nam mới cấp phép bay quốc thế.

Thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi vào giữa năm 2021

Nhắc đến kịch bản phát triển ngành hàng không sau dịch, ông Đinh Việt Thắng - Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam - chia sẻ: So với các quốc gia khác, Việt Nam có khả năng phục hồi sớm hơn. Lý do thị trường chúng ta đang giai đoạn phát triển. 

Ví dụ, năm ngoái thị trường hàng không Viêt Nam đón 70 triệu lượt hành khách, so với dân số 94 triệu dân thì nhiều người Việt Nam còn chưa đi đủ 1 lần. Trong khi đó, thị trường Mỹ có 300 triệu dân nhưng hàng không có 1 tỷ hành khách, tức là mỗi người Mỹ trung bình đi máy bay 3 lần/năm. Dư địa ngành hàng không của chúng ta còn rất nhiều. Tính trung bình người Việt Nam đi 2 lần/năm thì chúng ta có thể đón lượng khách là hơn 180.000 lượt. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam tiềm năng rất lớn.

“Khi chưa có dịch, dự báo hàng không Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số đến hết năm 2025. Nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn. Dịch kết thúc chúng ta khôi phục nhanh, thị trường nội địa khoảng giữa năm 2021, thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021”, ông Thắng cho biết.

Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin, việc phục hồi thị trường hiện nay mới được trên 50% thị trường nội địa. Việc phục hồi hoàn toàn thị trường nội địa không đơn giản và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và dựa vào các biện pháp phòng dịch sắp tới của Chính phủ.”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam sẽ triển khai phục hồi toàn bộ mạng đường bay cũng như tần suất khai thác trong vòng 1 tháng để kịp phục vụ cao điểm hè 2020. 

Dự báo giữa năm 2021 hàng không nội địa Việt Nam mới có thể phục hồi.

Ngay sau điều chỉnh này, từ ngày 30/4 đến 3/5, các hãng đã vận chuyển hơn 150.000 khách trên các chuyến bay nội địa. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đề xuất tiếp tục tăng chuyến bay được xem là phù hợp với tình hình dịch cơ bản đã được khống chế, phù hợp định hướng chung của ngành hàng không thế giới.

Chờ ngày hết dịch để  khai thác bình thường các đường bay quốc tế

Trong khi thị trường nội địa có dấu hiệu dần phục hồi thì toàn bộ đường bay quốc tế vẫn chưa thể xác định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình COVID-19 tại các điểm đến rất phức tạp. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… mang lại các khoản doanh thu, lợi nhuận lớn cho các hãng hàng không trong nước.

Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways, kế hoạch bay được xây dựng từ đầu năm 2020, khi chưa có dịch bệnh hãng có lịch và đã bán vé. Hiện hãng đã sẵn sàng triển khai bay quốc tế khi được phép của cơ quan chức năng. Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, hiện hãng đang chuẩn bị sẵn sàng để khi được phép là sẽ triển khai bay phục vụ hành khách. Trước đây bình quân mỗi ngày Vietnam Airlines khai thác cao điểm khoảng 500 chuyến/ngày (cả nội địa và quốc tế) nhưng hiện chỉ khai thác gần 200 chuyến/ngày (khoảng 50%) nội địa mỗi ngày và quốc tế hiện chỉ bay mang tính chất nhân đạo chứ chưa có chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ.

Khi được hỏi về có thông tin cho rằng tháng 6 sẽ Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường khẳng định không có chuyện đó. Cục chưa từng có văn bản nào nói thế bởi chưa có kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.

Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện một số chuyến bay quốc tế đang được các hãng thực hiện đều là những chuyến bay theo chủ trương đi đón công dân của nước mình về trên tinh thần những nước có nguy cơ cao thì phục vụ trước, những nước có nguy cơ thấp thì phục vụ sau. Và ưu tiên những hành khách có bệnh khác, hành khách từ 60 tuổi trở lên và 18 tuổi trở xuống. 

“Chỉ chỉ khi nào thế giới công bố hết dịch, các nước bỏ cách ly 14 ngày thì mình mới tính đến việc cấp phép bay các đường quốc tế như trước kia”, ông Cường chia sẻ.

Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư gần 11.000 tỷ xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo Quyết định 657 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) sẽ đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Tiến độ góp vốn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Một điểm đáng chú ý trong Quyết định của Thủ tướng Chình phủ là dự án sẽ xây dựng xong trong 37 tháng tính từ khi khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top