Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

08:44 - Thứ Năm, 21/05/2020 Lượt xem: 8212 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, mưa đá kèm dông lốc, lũ quét, sạt lở đất đá, khô hạn… Trước tình hình đó các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp tỉnh, đã chủ động các biện pháp, xây dựng mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng chuyển đổi cây trồng phù hợp; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Nhiều diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Người dân xã Noong Luống trồng rau trên diện tích chuyển đổi.

Từ năm 2016, một số diện tích đất trồng lúa vùng lòng chảo Ðiện Biên do tác động của biến đổi khí hậu, đất bạc màu không còn phù hợp với cây lúa. Sau khi nghiên cứu các loại cây trồng có thể thay thế trên đất lúa kém hiệu quả, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai mô hình sản xuất thanh long, với 2 loại giống: thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ. Mô hình thí điểm có mật độ trồng 1.000 trụ/ha, mỗi trụ trồng 4 cây; được chăm sóc đúng quy trình, thanh long sinh trưởng tốt, thích hợp với điều kiện thời tiết, đất đai. Sau 12 tháng thanh long ra quả bói, sau 24 tháng năng suất trung bình  đạt trên 15 tấn/ha; một số nơi đạt năng suất 20 - 25 tấn/ha. Ðến nay mô hình thí điểm đã nghiệm thu, kết thúc song người dân vùng lòng chảo Ðiện Biên đã phát triển mở rộng diện tích. Theo tính toán: 1ha thanh long ruột đỏ được chăm sóc tốt cho năng suất 20 tấn/ha, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg thì thu nhập 400 triệu đồng; trừ tổng chi phí khoảng 190 triệu đồng, còn lãi thuần 210 triệu đồng. Ðến nay, cây thanh long đã mang lại thu nhập lớn cho nhiều hộ dân vùng lòng chảo Ðiện Biên. Chị Nguyễn Thị Hương (xã Thanh Xương) trồng hơn 200 trụ thanh long ruột đỏ và trắng, cho thu nhập gần 70 triệu đồng/vụ; ông Nguyễn Văn Sỹ (xã Thanh Xương) với 325 trụ thanh long, thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ; ông Hoàng Hải Ðông (xã Noong Luống) trồng 227 trụ thanh long, thu nhập gần 70 triệu đồng/vụ…

Nhằm thích ứng với những thay đổi, ảnh hưởng của thời tiết, nhất là mưa dông, gió lốc thường làm lúa gãy đổ khi sắp thu hoạch, năm 2016 huyện Ðiện Biên triển khai mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên trên diện tích hơn 3.000m2, với 3 công thức khoảng cách, mật độ khác nhau để tìm ra mật độ, khoảng cách hợp lý nhất. Kết quả cho thấy mô hình sản xuất lúa hàng biên đạt những ưu điểm vượt trội, mang lại lợi ích lớn cho bà con nông dân. Kỹ thuật cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên giúp cây lúa có khoảng cách phù hợp, tiếp nhận ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp toàn bộ các phần gốc, thân, lá kích thích phát triển nên cây lúa khỏe, bộ rễ chắc. Do đó khắc phục tốt tình trạng lúa bị đổ do mưa dông. Bên cạnh đó, cấy lúa theo phương pháp này tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người nông dân và tăng độ sạch của sản phẩm. Nhận thấy hiệu quả của kỹ thuật mới vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng đã triển khai gieo sạ lúa theo phương pháp ứng dụng hàng biên.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Công nghệ cao bản Mé cho biết: “Ứng dụng phương pháp gieo sạ hàng biên chi phí đầu vào giảm được 2/3 lượng giống, 1/3 lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc BVTV, công lao động tỉa giặm trong khi năng suất tăng hơn so với sản xuất đại trà từ 3 - 4 tạ/ha; chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Chuyển đổi cây trồng và cách thức canh tác chỉ là 2 trong số nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong khoảng hơn 10 năm qua (2008 - 2019), toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5.100ha đất trồng lúa (cả lúa nương và lúa nước) kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu và cây công nghiệp; chuyển hơn 1.300ha sang trồng rừng và 95ha sang mục đích nuôi trồng thủy sản… góp phần nâng cao năng suất cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường khảo nghiệm giống mới và ứng dụng các bộ giống có khả năng chống chịu thời tiết cực đoan, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Ðến nay, toàn tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm và thử nghiệm 62 giống cây trồng; xây dựng và xác nhận 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Nhìn chung các chuỗi sau khi được xác nhận đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng và thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20-30%.

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi cây trồng, sử dụng giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Ðến năm 2019, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt hơn 264.600 tấn, tăng hơn 51.200 tấn so với năm 2009; lương thực bình quân đầu người tăng từ 434,7kg năm 2009 lên 458,8kg năm 2019. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm với các hình thức hợp tác và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Quan trọng là sự đổi mới tư duy, nhận thức của các cấp, ngành cho đến người nông dân về năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp đã giúp chúng ta luôn chủ động các giải pháp trước tình hình khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top