Không chủ quan, lơ là với dịch tả lợn châu Phi

09:03 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 8517 In bài viết

ĐBP - Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc, đến đầu tháng 2/2020, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đã được khống chế. Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh bởi vi rút DTLCP vẫn còn lưu trong môi trường, nguy cơ tái phát cao.

Nông dân thị xã Mường Lay chăm sóc đàn lợn sau tái đàn.

Nguy cơ tái phát dịch

DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh ta từ ngày 3/4/2019. Dịch bệnh đã khiến 23.642 con lợn (1.039.247kg) của 5.641 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh và tiêu hủy. Ðến ngày 4/2/2020, DTLCP được khống chế thành công. Mặc dù công tác phòng, chống, dập dịch được thực hiện nghiêm túc, song khoảng 1 tháng sau, ngày 4/3/2020, DTLCP lại tái phát tại 1 hộ chăn nuôi thuộc phố 19, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ với 2 con lợn mắc bệnh. Khi có kết quả dương tính với DTLCP, cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy 2 con lợn mắc bệnh với trọng lượng 397kg theo đúng quy định.

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân tái phát dịch là do hộ chăn nuôi trên từng là ổ dịch cũ đã xảy ra DTLCP, trong khi đó vi rút DTLCP có thể tồn tại lâu ngoài môi trường, cộng với điều kiện thời tiết thất thường nên dịch bệnh dễ tái phát trở lại. Mặc dù số lợn mắc bệnh được phát hiện và xử lý, tiêu hủy kịp thời, đến nay qua 30 ngày không phát hiện thêm lợn mắc bệnh trên địa bàn. Song điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục Trưởng Chi cục thú y tỉnh, nguy cơ dịch tái phát trở lại rất cao, nguyên nhân do DTLCP chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ngoài môi trường. Mặc dù đã được kiểm soát, tại nhiều địa phương có xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi trang trại, gia trại để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh song vẫn còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa, không áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường và tình trạng giết mổ gia súc nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh DTLCP phát sinh, phát triển.

Nâng cao cảnh giác

Mới đây, ngày 14/5/2020 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 1356/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức; vệ sinh, sát trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa nguy cơ DTLCP tái phát.

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện tái đàn lợn đáp ứng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh phòng bệnh… Ðến nay, toàn tỉnh đã triển khai phun hơn 21.660 lít hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường chăn nuôi. Ðồng thời, tổ chức tiếp nhận mẫu do cán bộ thú y cấp huyện lấy để gửi xét nghiệm khi phát hiện lợn nghi mắc DTLCP nhằm chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời. Nhờ đó đến nay, ngoài 1 ổ dịch ở tổ 19, phường Him Lam đã được phát hiện và xử lý kịp thời, toàn tỉnh không ghi nhận thêm ổ dịch nào tái phát.

Với tinh thần quyết liệt, không chủ quan, lơ là của chính quyền các cấp và ngành chức năng, ý thức phòng bệnh trong chăn nuôi của người dân sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm khống chế, ngăn chặn không để DTLCP tái phát, ảnh hưởng tới phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top