Ðể rừng thêm xanh

09:22 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 8261 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ đó, năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,25%. Ðây là một trong những nội dung, chương trình hành động hoàn thành trước 1 năm và vượt 0,25% so với chỉ tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã Phì Nhừ, huyện Ðiện Biên Ðông. Ảnh: C.T.V

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tỷ lệ che phủ rừng tỉnh ta tăng đều trong 4 năm qua. Ðến năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,25% (vượt 0,25% so với nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra đến năm 2020 tỷ lệ che phủ đạt 42%). Ðể đạt được thành quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chi cục Kiểm lâm đã đánh giá lại toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện nâng cao độ che phủ rừng trong giai đoạn trước đó. Sau đó, xây dựng kế hoạch, phương án và giải pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở ngành liên quan thực hiện quyết liệt Chỉ thị 34/CT-TU về tăng cường các giải pháp quản lý và bảo vệ rừng; Nghị quyết số 05/NQ-TU về phấn đấu đưa độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 42%, năm 2025 đạt 45% và năm 2030 đạt 48%. Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt 2 nhiệm vụ cơ bản, đó là: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và tăng cường vận động người dân khoanh nuôi, tái sinh rừng. Nhờ đó, số vụ cháy rừng và phá rừng trong 4 năm gần đây đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước, bình quân các loại vi phạm giảm 12%/năm. Diện tích rừng tái sinh, rừng được rà soát để chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng đều qua các năm.

Những năm gần đây, thời tiết có nhiều biến đổi, tác động tiêu cực và gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Song, do làm tốt công tác dự thính, dự báo nên lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Toàn tỉnh đã kiện toàn 10/10 ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện với 287 thành viên; 129/129 ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; 1.429 tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp thôn bản; 100% các chủ rừng có phương án phòng cháy chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về cháy rừng và phá rừng. Năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 396 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 57 vụ so với năm 2018, trong đó đã xử lý 390 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ đồng.

Song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác khoanh nuôi, tái sinh rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng. Năm 2019, toàn tỉnh có gần 23.000ha diện tích ở trạng thái DT2 tái sinh, phát triển thành rừng; điển hình là các huyện: Mường Nhé có 8.161ha; Mường Chà có 3.616ha.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Sau kiểm kê rừng 2015, sửa đổi quy hoạch 3 loại rừng, đơn vị đã tăng cường quản lý với những diện tích có khả năng tái sinh thành rừng; tuyên truyền, vận động người dân khoanh nuôi, không phá rừng làm nương. Ðể công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, các hình thức tuyên truyền được đơn vị triển khai đơn giản, phù hợp với thực tế địa phương và trình độ nhận thức của người dân, sử dụng từ ngữ đơn giản dễ hiểu để người dân tiếp thu và thực hiện. Ví dụ khi tuyên truyền không phá rừng làm nương, thay vì nói nhiều về thuật ngữ chuyên môn, quy định, tiêu chuẩn của loại rừng, độ khép tán rừng thì đơn vị tuyên truyền tới người dân rằng “những khu vực có cây to, đường kính từ 6cm trở lên thì không được chặt phá, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật”…

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, dự kiến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,5%, vượt 5% so với mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Ðối với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 45% và năm 2030 đạt 48%, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị với cấp ủy, chính quyền cấp huyện đưa chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng vào mục tiêu phấn đấu của địa phương tại Ðại hội Ðảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 xem xét thông qua. Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Ðây là lần đầu tiên, chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng được đề nghị đưa vào mục tiêu nghị quyết đại hội Ðảng bộ cấp huyện, là bước đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiệm kỳ mới, cấp huyện có mục tiêu, đơn vị chuyên môn có kế hoạch cụ thể; 2 bên cùng phối hợp chặt chẽ sẽ hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh.”

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top